Lơ là, mất cảnh giác trước đại dịch: Làm sao để không có "con sâu làm rầu nồi canh"?

Sự kiện và Bình luận-Thứ bảy, ngày 15/05/2021 12:55 GMT+7

VTV.vn - Sự lơ là, chủ quan trước đại dịch của một số cá nhân đang mang tới những hệ lụy to lớn cho công tác phòng dịch của cả xã hội. Làm sao để triệt tiêu tình trạng này?

Việt Nam không thiếu quy định về phòng chống dịch, cái thiếu ở đây chính là trách nhiệm của một số cá nhân, đặc biệt là những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, khi vẫn còn tâm lý chủ quan, mất cảnh giác... Trong khi, dịch bệnh không chờ đợi những sự sửa sai hay khắc phục.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nêu rõ: nếu chúng ta mất cảnh giác, sẽ phải trả giá đắt - trả giá đắt cho xã hội, cho hệ thống chính trị, cho sức khỏe người dân, cho lợi ích quốc gia, dân tộc...

Và tất nhiên, những người có trách nhiệm cũng sẽ phải chịu trách nhiệm cho sự mất cảnh giác của bản thân...

Thời gian qua, một loạt địa phương đã đưa ra các quyết định kỷ luật các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định phòng chống dịch.

Mới đây, Vĩnh Phúc đình chỉ công tác bảy cán bộ do thiếu trách nhiệm trong phòng, chống dịch Covid-19, gồm Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, Chủ tịch UBND phường Khai Quang và bốn cán bộ phụ trách địa bàn. Tỉnh cũng đình chỉ bốn doanh nghiệp do vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Chủ tịch tỉnh Yên Bái đã cảnh cáo GĐ TT Y tế TP Yên Bái do có vi phạm trong quản lý khu cách ly tập trung, để xảy ra lây nhiễm từ chuyên gia Ấn Độ sang nhân viên khách sạn Như Nguyệt 2 .

Tỉnh Hà Nam cũng đã đình chỉ công tác đối với trưởng trạm y tế xã Đạo Lý và GĐ trung tâm y tế huyện Lý Nhân. Do chưa xử lý kịp thời bệnh nhân ho, sốt, gây lây nhiễm dịch  ra cộng đồng.

Tại Đồng Nai, liên quan vụ 3 đối tượng Trung Quốc bỏ trốn khỏi khu cách ly, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.

Trong cuộc họp thường kỳ tháng 4, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã nghiêm túc nhận khuyết điểm sau khi bị Thủ tướng phê bình, nhắc nhở, do còn có những hạn chế, thiếu sót trong phòng chống dịch.

Nếu một cá nhân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không hành động quyết liệt thì sự nỗ lực của cả hệ thống sẽ đổ xuống sông xuống biển, mà đây lại là người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Vậy tại sao vẫn có những cá nhân lơ là như vậy?

Chia sẻ về vấn đề này PGS.TS Nguyễn Ngọc Đào, Giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia cho hay: "Sự lơ là, mất cảnh giác của không ít cá nhân thời gian qua có thể khiến thành quả chống dịch suốt thời gian qua của chúng ta bị đổ bể, là nhận xét chuẩn xác. Suy rộng ra, không chỉ trong công tác phòng chống dịch, hiện tượng quản lý nhà nước mang tính ỷ lại, thiếu trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, vô cảm trước những hiện tượng gay cấn, những bức xúc của nhân dân, có thể nói là một khuyết tật. Mà đây chính là thời điểm thể hiện rõ điều này.

Vì thế, hành động quyết liệt vừa qua của Chính phủ là rất đáng hoan nghênh. Trong hoạt động điều hành quản lý, việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19 lần này là biểu hiện cụ thể của khả năng ứng phó kém của một số cá nhân trong hệ thống bộ máy chính quyền. Tôi nghĩ rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng cần đến khả năng ứng phó và các biện pháp thực hiện mà chúng tôi coi nó là kỹ năng quản lý điều hành"...

Nhưng sự ỷ lại lơ là không chỉ chính các địa phương mà kể cả từ cấp trung ương đâu đó cũng có tâm lý ỷ lại vào các địa phương. Vậy chúng ta cần phải nâng cao vai trò giám sát tập trung và thông suốt từ trung ương xuống tới các địa phương thì mới không có những con sâu làm rầu nồi canh?

Chương trình Sự kiện và Bình luận phát sóng ngày 15/5/2021 sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này với sự tham gia của PGS. TS Nguyễn Ngọc Đào và ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, mời độc giả quan tâm theo dõi qua VIDEO:

Sự kiện và bình luận - 15/5/2021

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước