Loay hoay giảm ô nhiễm tái chế rác thải tại các làng nghề

Đỗ Hòa - Vũ Nhất-Thứ hai, ngày 25/11/2024 13:05 GMT+7

VTV.vn - 1,8 triệu tấn rác nhựa tại Việt Nam nhưng chỉ có 27% được tái chế, làm tăng gánh nặng ô nhiễm và thiệt hại kinh tế lên đến 3 tỷ USD.

Tái sinh rác thải nhựa, hồi sinh rác thải nhựa đang là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, khi hoạt động thu gom, tái chế rác thải nhựa hiện nay đang chủ yếu được thực hiện một cách tự phát, thủ công, chưa được quy hoạch thì bài toán làm thế nào để giảm ô nhiễm tái chế rác nhựa đã được đặt ra trước những lợi ích kinh tế mang lại.

Giảm ô nhiễm tái chế rác nhựa mới dừng ở bề nổi

Khu tập kết các phần rác thải nhựa không thể tái chế của thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Khoảng hơn 400 tấn nhựa thải nằm phơi nắng, phơi mưa. Theo người trông coi bãi rác, gần nửa tháng này, đơn vị hợp đồng thu gom không về chở.

Loay hoay giảm ô nhiễm tái chế rác thải tại các làng nghề - Ảnh 1.

Khoảng hơn 400 tấn nhựa thải nằm phơi nắng, phơi mưa.

Rác ùn ứ, lấp lối nhưng rác vẫn ùn ùn kéo về với số lượng khoảng 4 - 5 tấn/ngày. Tại những nơi tái sinh rác và cũng tạo ra rác là các xưởng tái chế rác thải nhựa trong thôn Xà Cầu.

Khu xưởng trung bình mỗi tháng tách lọc và xay khoảng 20 tấn rác nhựa. 20-30% trong số rác nhựa không thể tái chế phải loại bỏ. Số rác này sẽ được mang ra bãi rác tập trung của thôn với mức phí đóng 500.000 đồng/tháng.

Loay hoay giảm ô nhiễm tái chế rác thải tại các làng nghề - Ảnh 2.

Nhưng đó là con số đo đếm và tính được tiền phí phải trả. Còn có những thứ rác đang lẳng lặng tuồn ra theo dòng nước đen kịt.

''Nó nồng nặc. Đủ mọi tạp chất. Nào thuốc sâu, hóa chất… Tất cả thu gom về đây, xay ra cái nước này", một người dân bức xúc cho hay.

Xay nghiền nước là cách tái chế nhựa mà nhiều hộ sản xuất đang thực hiện. Theo dòng nước thải chưa được xử lý đổ thẳng ra hệ thống thoát nước sinh hoạt. Không chỉ nguồn nước, người dân xung quang còn lo họ thường xuyên phải hít các loại bụi có hại. Vì chưa được đong đếm nên mức độ gây ô nhiễm vẫn đang được đánh giá ở mức.. "không đáng kể".

''Cơ quan và Phòng Tài nguyên Môi trường không có trang thiết bị để phân tích bụi mịn từ các cơ sở nghiền ra môi trường như thế nào do đó cũng chưa thể khẳng định đấy có phải là một trong những nguyên nhân ô nhiễm môi trường hay không. Với các hộ sơ chế thì nước thải ra môi trường cũng không đáng kể'', ông Đỗ Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Ứng Hòa, Hà Nội cho biết.

Năm 2023, những hố ba ngăn đã được khoảng 70% số hộ sản xuất có xay nước đồng ý xây dựng theo hướng dẫn của chính quyền cùng ngành tài nguyên và môi trường địa phương để lắng lại các phần bụi, cặn trong quá trình xay.

Thế nhưng, hiệu quả giảm phát thải vi nhựa ra môi trường những hố ba ngăn này sẽ đạt đến mức độ nào khi người dân thì bảo cặn sẽ được tích lại rồi mang xử lý còn chính quyền thì cho biết cách xử lý là người dân tận dụng để chôn vườn, bón cây…

Theo nghiên cứu về thời gian để phân hủy trong tự nhiên:

+ Túi nylon mất từ 10-100 năm để phân hủy

+Cốc nhựa mất 100-500 năm để phân hủy

+ Hộp nhựa, chai nhựa mất 450-1000 năm để phân hủy

Tích cực là chúng có thể tái chế, những cốc nhựa, hộp nhựa có thể tái chế thành những sản phẩm gia dụng khác. Nhưng từ chính những sản phẩm này lại phát sinh ra những rác thải nhựa khác không thể tái chế. Và cứ thế nó hòa vào nhau để trở thành những rác thải nhựa mới gây nguy cơ ô nhiễm.

Ô nhiễm tái chế rác thải nhựa: Mưu sinh hay môi trường?

Ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, ô nhiễm tiếng ồn… Đây là những loại ô nhiễm mà các làng nghề tái chế rác thải nhựa, không riêng gì thôn Xà Cầu, phải đối mặt. Nhất là khi số lượng các cơ sở hoạt động thu gom, tái chế rác thải nhựa tại các làng nghề ngày càng nhiều và có xu hướng mở rộng quy mô sản xuất.

Đương nhiên, bản thân các hộ gia đình sản xuất đều nhận thức rất rõ tình trạng ô nhiễm môi trường do ngành nghề mình đang thực hiện mang lại. Thế nhưng, từ nhận thức đến hành động thì lại có nhiều lí do để chậm thay đổi…

"Môi trường là nơi chúng ta gặp nhau, là nơi đem lại lợi ích cho mọi người, là điều mà tất cả chúng ta đều chia sẻ". Và rõ ràng, chúng ta không chỉ chia sẻ một môi trường trong lành với những lợi ích mà nó mang lại. Chúng ta sẽ phải cùng nhau gánh chịu những hệ lụy từ một môi trường ô nhiễm mà có thể có thể không phải do chính chúng ta trực tiếp gây ra.

Giảm ô nhiễm trong tái chế rác thải nhựa - chuyện "biết rồi - khổ lắm - nói mãi" bởi vậy cũng cần được hành động đồng bộ để có những biện pháp từ gốc thay vì giải quyết bề nổi.

Một dự án ngoài chính quyền hỗ trợ người lao động làm công việc tái chế rác thải nhiều độc hại. Hỗ trợ chủ cơ sở hiểu, phân loại đúng hơn, giúp tái chế rác nhựa tốt hơn trong mục tiêu tuần hoàn rác thải nhựa, kiến tạo sự sống mới của nhựa như tấm biển được treo trước cửa. Các buổi tập huấn đã cho chủ cơ sở sự tự tin mình đang làm tốt công đoạn thu gom, tái chế rác nhựa…

Không thể trông chờ vào một lối đi riêng của từng hộ trong nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm tái chế rác nhựa. Một con đường chung được đưa ra là di chuyển các cơ sở tái chế rác thải nhựa vào cụm công nghiệp đang thành hình. Nhưng đi hay ở thì bài toán kinh tế vẫn đang nặng hơn nỗi lo môi trường với nhiều hộ sản xuất.

Vẫn sẽ phải đợi đến khi cụm công nghiệp hoàn thành để biết bao nhiêu cơ sở tái chế sẽ đồng lòng về một mối. Nhưng thêm thời gian chờ cũng sẽ đồng nghĩa màu của rác thêm lấn lướt sắc xanh của những ao hồ, cả phần ngọn lẫn phần đáy. Và hành trình tái sinh của rác nhựa vẫn dở dang…


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước