"Đồng nát sắt vụn bán đê" là tiếng rao quen thuộc của các bà các chị đồng nát trên mọi góc, ngõ phố từ thôn quê đến thành thị ở Việt Nam. Nghề đồng nát cũng song hành cùng với sự phát triển của các đô thị nhưng không phải ai cũng biết rằng đây vốn là một nghề phi chính thức nhưng lại là lực lượng tiên phong trong thực hiện kinh tế tuần hoàn và đóng góp lớn vào chu trình tái chế rác thải tại Việt Nam.
Tại một bãi tập kết xử lý rác tại Hà Nội mỗi ngày xử lý khoảng hơn 5.000 tấn rác. Thông thường rác sẽ được xử lý theo 2 cách: một là chôn lấp, hai là đốt. Nhưng trong hàng nghìn tấn rác thải này, rác lại lẫn với tài nguyên. Người thu nhặt và phân loại rác thải đầu tiên chính là những người đồng nát.
Từ 11h đêm đến 2h sáng mỗi ngày, trên một con phố trung tâm của Hà Nội hàng trăm cân phế liệu đang được mua bán. Các chuyến xe tới lấy phế liệu từ các cơ sở ve chai đồng nát để chuyển tới các làng tái chế. Lượng phế liệu này có thể cả trăm tấn mỗi ngày.
Vậy nguồn phế liệu này đến từ đâu và ai đứng ở tuyến đầu thu gom, phân loại chúng?
Chỉ với chiếc xe đạp và vài trăm nghìn làm vốn, bà Phạm Thị Dần đi khắp các ngõ phố thu mua đồng nát, mua được bao nhiêu bà lại đến bán lại ngay cho cơ sở thu mua đồng nát gần nhất.
Mưu sinh vất vả, thu nhập thấp và bấp bênh, nhưng những người thu mua đồng nát lại chính là những nhân tố khởi đầu cho một hệ sinh thái tái chế của Việt Nam.
Sau 6 năm điều tra, nghiên cứu, nhóm tác giả thuộc trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã cho ra đời cuốn sách về nghề đồng nát ở Hà Nội, nhận diện về một nghề thu nhập thấp nhưng đang mang lại nhiều lợi ích cho môi trường.
Ước tính hiện Việt Nam có khoảng gần 3 triệu người đang hoạt động trong ngành thu gom tái chế rác thải phi chính thức. Phát triển hoàn thiện lực lượng này sẽ góp phần quan trọng vào bài toán bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!