Long An, Tây Ninh, Bình Dương cơ bản đồng ý với đề xuất của TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: PLO
Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản gửi UBND các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh để thống nhất về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động (NLĐ) di chuyển, khôi phục sản xuất kinh doanh an toàn. Thời gian áp dụng từ ngày 4/10.
Tới nay, các địa phương như Long An, Tây Ninh, Bình Dương đã có văn bản chính thức về văn bản của TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh này cơ bản thống nhất với phương án tổ chức cho NLĐ di chuyển giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh mà TP đã dự thảo.
Đáng chú ý, tỉnh Bình Dương đưa ra một số điều chỉnh như người phục vụ, điều khiển phương tiện phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:
- Người đã tiêm ngừa COVID-19 (ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính định kỳ 7 ngày/2 lần (TP Hồ Chí Minh yêu cầu 7 ngày/lần).
- Đối với người đã tiêm ngừa COVID-19 đầy đủ 2 mũi hoặc khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng thì cần có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính định kỳ 7 ngày/lần.
Việc tổ chức xét nghiệm và cấp cho công nhân, chuyên gia do cơ quan y tế hoặc công ty thực hiện, cấp giấy và chịu trách nhiệm trước kết quả xét nghiệm.
Đối với trường hợp sử dụng xe cá nhân như ô tô, mô tô, xe máy, người ngồi trên xe phải đáp ứng các điều kiện sau:
Người đã tiêm ngừa COVID-19 đầy đủ 2 mũi hoặc khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính xét nghiệm định kỳ 7 ngày/2 lần (TP Hồ Chí Minh yêu cầu 7 ngày/lần).
Bên cạnh đó, đối tượng này cần có giấy xác nhận phục vụ lưu thông cho người lao động với nội dung địa điểm, cung đường… theo mẫu thống nhất. Do dịch bệnh phức tạp nên chỉ cho người lao động sử dụng phương tiện cá nhân đi lại giữa hai địa phương giáp ranh (TP Thủ Đức và TP Thuận An, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
* Tương tự, tỉnh Tây Ninh cũng kiến nghị đối tượng vận chuyển, người phục vụ, người điều khiển phương tiện, người ngồi trên xe phải đáp ứng các điều kiện đã tiêm ngừa COVID-19, ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và ít nhất 21 ngày sau khi tiêm (TP Hồ Chí Minh đề xuất sau 14 ngày tiêm) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.
Kèm theo đó phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ kể từ khi nhận kết quả (TP Hồ Chí Minh đề xuất xét nghiệm 7 ngày/lần).
* Đối với tỉnh Long An, UBND tỉnh thống nhất về việc xét nghiệm, cho phép xe cá nhân lưu thông theo đúng phương án mà TP Hồ Chí Minh gửi.
Tuy nhiên, tỉnh Long An có một số góp ý, đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh cân nhắc, điều chỉnh nội dung các đơn vị (có trụ sở đóng trên địa bàn các tỉnh) cần xây dựng phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia và đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động gửi đến Sở GTVT các tỉnh để cấp giấy tạo điều kiện lưu thông liên tỉnh (văn bản, nhận diện theo mẫu).
Về vấn đề này, tỉnh Long An đề nghị bỏ giấy nhận diện theo mẫu, chỉ cần nhận diện bằng văn bản trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp (DN) do các Sở GTVT trong khu vực cấp (4 tỉnh và TP Hồ Chí Minh).
Tỉnh Đồng Nai không cho xe cá nhân chạy
Thông tin kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh Đồng Nai vào ngày 5/10 cho biết tỉnh này cho phép người lao động, các chuyên gia đi lại liên tỉnh từ TP Hồ Chí Minh với điều kiện đi bằng xe đưa đón, chưa cho đi xe cá nhân.
Tại cuộc họp, ông Dương Mạnh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Nai cho biết khi Đồng Nai bước vào trạng thái bình thường mới, ổn định kiểm soát dịch thì sẽ triển khai cho NLĐ, chuyên gia đi bằng xe cá nhân liên tỉnh.
Lý do là hiện nay tại Đồng Nai, tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, nếu để xe cá nhân đi lại sẽ rất khó kiểm soát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!