Lòng vòng, “đánh võng” trong giải quyết thủ tục hành chính

Nguyệt Hà, Công Trung-Thứ ba, ngày 16/07/2024 22:18 GMT+7

VTV.vn - Sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương tại TP Hồ Chí Minh chưa chặt chẽ dẫn đến sự lòng vòng trong giải quyết thủ tục hành chính khiến người dân bức xúc.

Mỗi năm, TP Hồ Chí Minh giải quyết hơn 20 triệu thủ tục hành chính, trong đó vẫn còn hơn 20.000 thủ tục trễ hẹn. Một trong những nguyên nhân chính là sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa chặt chẽ. Điều này dẫn đến sự lòng vòng trong giải quyết thủ tục hành chính khiến người dân bức xúc vì mất nhiều thời gian, công sức nhưng vẫn không xong việc.

Gia đình ông Vĩnh Ngọc, Quận 5, TP Hồ Chí Minh cho biết, khi mua nhà, văn bản có ghi rõ nhà phố, nhà xây lại, hoàn công đều được cho phép, đóng thuế đất đầy đủ. Tuy nhiên khi làm hồ sơ cấp sổ hồng năm 2015, ông không được chấp nhận, nguyên nhân là do nhà xưởng không phải trên đất ở. Mất một thời gian dài, UBND Quận 5 mới có văn bản cho phép chuyển từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở, nhưng sự việc vẫn chưa dừng lại.

"Thuế yêu cầu Văn phòng Đăng ký đất đai đi xác định thời hạn sử dụng còn lại. Văn phòng Đăng ký đất đai lại đi hỏi Phòng Tài nguyên. Hiện 3 cơ quan này đang chờ đợi nhau. Khi đến Văn phòng Đăng ký đất đai Quận 5, bạn chuyên viên luôn trả lời em không biết, chị liên lạc với thuế đi, chị đi hỏi thuế đi, để thuế trả lời. Đây là hỏi nội bộ với nhau, sao bắt người dân chạy như vậy", bà Trần Thị Bích Liễu, cháu của ông Vĩnh Ngọc, Quận 5, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.

Lòng vòng, “đánh võng” trong giải quyết thủ tục hành chính - Ảnh 1.

Mỗi năm, TP Hồ Chí Minh giải quyết hơn 20 triệu thủ tục hành chính, trong đó vẫn còn hơn 20.000 thủ tục trễ hẹn. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

Tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh mới đây, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh nêu rõ các thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, phát triển các dự án còn rất nhiều ách tắc, dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, đánh võng, lòng vòng.

"Có những trường hợp là những đề xuất của cơ quan có 1 tờ giấy, hoặc 2 tờ giấy, nhưng quy trình nội bộ liên thông giữa các sở khi chúng ta truy xuất hết toàn bộ quá trình trung chuyển của hồ sơ này thì có thể nói rằng trên 10 tờ giấy. Mỗi 1 trang như vậy có 15 - 20 dòng, tức là đã qua 15 đến 20 khâu. Tính chung 10 tờ giấy đó, sự trung chuyển văn bản này rất phức tạp và khó kiểm soát", Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhìn nhận.

Thực tế, từ tháng 7 năm 2022, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành thuộc UBND thành phố. Tuy nhiên đến nay, việc phối hợp vẫn rất chậm trễ, gây khó người dân và doanh nghiệp.

Cải cách hành chính thiếu đồng bộ

Gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp nên đồng bộ, thống nhất, tập trung là đích đến mà TP Hồ Chí Minh đang hướng đến trong cải cách hành chính. Trước khi thực hiện cải cách hành chính các thủ tục với người dân, nội bộ chính quyền thành phố cũng đang nỗ lực cải cách mô hình hoạt động. Thực tế hồ sơ lòng vòng hiện nay nằm ở giữa các sở ngành với nhau. Vì vậy, dù rất nỗ lực, thậm chí chủ động thực hiện nhưng kết quả chưa đạt được như mong đợi. Lý do xuất phát từ sự thiếu đồng bộ.

Theo thống kê trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, số lượng hồ sơ trễ hẹn tại TP Thủ Đức lên đến 1000 hồ sơ. Trong khi số liệu thực tế tại địa phương chỉ 138 hồ sơ. Lý do là vì TP Thủ Đức chỉ mới dừng lại ở việc cập nhật dữ liệu trên cổng thông tin 1 cửa của đơn vị.

"Việc giải quyết thủ tục hành chính của Ủy ban TP Thủ Đức chưa tuân thủ theo quy trình nội bộ đã được Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt, mà chúng ta chỉ thực hiện theo quy trình ISO. Mình phải lưu ý", bà Ngô Thị Hoàng Các, Trưởng phòng Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Trước khi áp dụng Cổng Dịch vụ công Quốc gia để người dân đăng kí thủ tục hành chính, mỗi địa phương tại TP Hồ Chí Minh đều có hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính 1 cửa riêng biệt. Bản thân thành phố cũng có hệ thống riêng. Điều này khiến dữ liệu thiếu đồng bộ. TP Hồ Chí Minh dự kiến trong tháng 9 này hoàn thiện một hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố và các sở ngành, quận huyện sẽ kết nối với hệ thống này.

"Cán bộ, công chức, viên chức của TP Hồ Chí Minh, của các quận, huyện chỉ sử dụng một hệ thống để xử lý công việc hàng ngày. Như vậy chúng ta mới mang lại hiệu quả thực chất cho công tác chuyển đổi số, đó là nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời cán bộ, công chức cũng phải nâng cao được chất lượng công việc của mình", bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh, cho hay.

Làm việc với các địa phương, lãnh đạo thành phố chỉ ra nguyên nhân khiến cải cách hành chính chưa đạt hiệu quả, trước khi đồng bộ dữ liệu cần chuẩn hóa nguồn đầu vào, thống nhất quy trình để tránh chồng chéo.

Cần số hóa giải quyết thủ tục hành chính

Để tăng hiệu quả phục vụ người dân, thành phố đã thực hiện số hóa, nhưng mỗi sở, ngành thuê, trả tiền cho một đơn vị làm số hóa, quy trình khác nhau, yêu cầu khác nhau nên khó liên thông. Tiền ngân sách vẫn phải chi trả cho các quá trình số hóa nhưng không giải quyết được đúng nhu cầu của người dân.

Chủ trương của TP Hồ Chí Minh là việc lấy ý kiến giữa các cơ quan, đơn vị phải bằng quy trình số. Do vậy, TP Hồ Chí Minh cũng đặt ra hàng loạt mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động số hóa công việc hành chính, liên thông và đồng bộ trong 6 tháng cuối năm.

"Một là đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn cho các dự án chuyển đổi số của thành phố. Hai là chúng ta cự tuyệt với việc sử dụng 2 hệ thống dịch vụ công hiện nay và chỉ thực hiện 1 dịch vụ công trực tuyến của TP Hồ Chí Minh kết nối với dịch vụ công quốc gia. Tháng 9 này, thu hồi hết tất cả các tài khoản của tất cả các cơ quan đơn vị đang thực hiện theo hệ thống cũ và chúng ta chỉ áp dụng chung 1 lần cho hệ thống mới.

Đến cuối năm, 100% cán bộ, công chức đều phải thực hiện chữ ký số trong nội bộ của mình. Một điểm nữa là thành phố sẽ đẩy nhanh quá trình số hóa dữ liệu đã lưu trữ và số hóa 100% dữ liệu đầu vào cho các hồ sơ chúng ta đang xử lý và cố gắng gắn kết với kho dữ liệu điện tử để chúng ta hướng tới việc sử dụng lại các dữ liệu của người dân đã đến làm thủ tục hành chính, đến lần hai thì không phải đưa các cái thủ tục hành chính lần thứ nhất lại, khai thác tối đa các dữ liệu này. Thứ năm, các quy trình liên thông của chúng ta sẽ được thực hiện số hóa trên cơ sở chuẩn hóa các tài liệu, mẫu hóa các câu hỏi lấy ý kiến gọn về mặt nội dung", Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Trong phiên chất vấn tại kỳ họp lần thứ 17 HĐND TP Hồ Chí Minh diễn ra sáng nay (16/7), lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, tập trung xây dựng 5 nền tảng số (hệ thống quản lý đất đai, hệ thống quản lý cấp phép xây dựng, học bạ điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, chương trình quản lý an sinh xã hội).

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh sẽ nhanh chóng đưa vào triển khai ứng dụng di động thống nhất của công dân để giúp người dân thành phố tương tác với chính quyền thành phố, nắm bắt thông tin, xử lý thủ tục hành chính đơn giản và thuận tiện hơn.

Ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp Ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp

VTV.vn - Phân cấp, ủy quyền mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, giảm tải áp lực cho các sở, ngành của thành phố Hà Nội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước