Văn phòng Chủ tịch nước vừa công bố Lệnh của Quyền Chủ tịch nước công bố Luật Khám bệnh, chữa bệnh(sửa đổi), được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 9/1 tại kỳ họp bất thường lần hai.
Việc tổ chức kỳ họp bất thường có ý nghĩa quan trọng, đẩy nhanh những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc sống. Và khi việc xây dựng, thông qua Luật được đẩy nhanh, thì bước tiếp theo là đưa luật vào cuộc sống lại càng phải tăng tốc hơn nữa. Bởi công tác khám chữa bệnh dù đã có những bước tiến quan trọng song vẫn còn rất nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách.
Đơn cử, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tại các cơ sở khám chữa bệnh trong hệ thống công lập thuộc 45 địa phương cho thấy, có tới hơn 2 nghìn trang thiết bị đang được sử dụng là máy mượn, máy đặt của các đơn vị cung cấp sinh phẩm sau khi trúng thầu. Các bệnh viện dù rất muốn mua các thiết bị này để phục vụ bệnh nhân, nhưng kinh phí lớn và nếu xin đầu tư của địa phương phải mất nhiều năm. Trong khi lại thiếu hành lang pháp lý về huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư trang thiết bị.
Luật Khám chữa bệnh sửa đổi với 211 điều được thông qua... được kỳ vọng sẽ giải quyết cơ bản các vướng mắc mà các cơ sở y tế gặp trong thời gian vừa qua, ví dụ như giá viện phí, phân tuyến kỹ thuật, liên doanh liên kết và xã hội hóa.
Việc tiếp theo là phải nhanh chóng soạn thảo các văn bản, thông tư dưới luật để luật đi vào cuộc sống kịp thời, hiệu quả, tạo căn cứ để triển khai chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động khám chữa bệnh.
Cùng trao đổi về các vấn đề đáng quan tâm xung quanh Luật Khám bệnh, chữa bệnh(sửa đổi) với TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!