Hơn 40.000 tài xế vi phạm nồng độ cồn đã bị xử phạt sau một tháng thực hiện đợt cao điểm ra quân cuối năm của lực lượng CSGT toàn quốc, tăng gần 3.000 trường hợp so với tháng trước. Vấn nạn "ma men" sau tay lái đang lộng hành trở lại và ngày càng "nóng" vào dịp cuối năm.
Đáng báo động là sau một thời gian lực lượng chức năng xử lý quyết liệt với lỗi vi phạm nồng độ cồn thì đến nay, một bộ phận người dân có tâm lý nhờn luật. Do đó, lỗi vi phạm nồng độ cồn thời gian qua xảy ra khá phổ biến.
22h tại một chốt kiểm tra nồng độ cồn trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội... trong 10 phút kiểm tra các phương tiện ô tô đã có 5 trường hợp lái xe vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, trong đó có một trường hợp vi phạm đến gần 0,41 mg/l khí thở.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn.
Thực tế chế tài xử phạt khá đầy đủ và nghiêm khắc. Theo quy định của pháp luật hiện hành, lái xe gây tai nạn khi đã uống rượu, bia, tùy mức độ có thể bị phạt tù đến 15 năm, phạt hành chính ở mức cao và bị tước giấy phép lái xe. Thế nhưng, trước những cuộc vui, không ít người vẫn uống rượu, bia rồi lái xe khiến nhiều người lo lắng.
Đã có rất nhiều thông điệp được tuyên truyền như: "Đã uống rượu, bia thì không lái xe", "Phía trước tay lái là tính mạng"... nhưng hiệu quả của việc thực hiện những thông điệp này đều phụ thuộc vào ý thức của mỗi người. Hình phạt đủ sức răn đe, cảnh tỉnh, cùng với đó là ý thức tự giác chấp hành các quy định khi tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện chính là hai vấn đề mấu chốt để kéo giảm tỷ lệ TNGT, nhất là các vụ TNGT có nguyên nhân từ rượu, bia.
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 350 vụ TNGT có nguyên nhân liên quan nồng độ cồn, khiến hơn 200 người tử vong.
Gần đây nhất, từ đầu tháng 12 đến nay, trên địa bàn toàn quốc liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông do người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, để lại hậu quả thương tâm.
Tối 10/12 trên Phố Bạch Mai - Hà Nội, một ô tô đâm liên hoàn 10 xe máy khiến nhiều người bị thương. Qua kiểm tra, người lái xe ô tô có nồng độ cồn ở mức hơn 0,5 mg/l khí thở (vượt mức kịch khung theo Nghị định 100 là 0,4 mg/l khí thở).
Đêm ngày 15/12, trên phố Đinh Tiên Hoàng - Hà Nội, một ô tô đã va chạm với xe máy và xe đạp làm 4 người bị thương, kiểm tra nồng độ cồn với tài xế ô tô, vi phạm ở mức 0,46 mg/l khí thở.
Liên tiếp các vụ TNGT xảy ra gần đây có liên quan đến việc người điều khiển phương tiện đã uống bia rượu trước khi tham gia giao thông.
Sau đó 1 ngày, vào lúc 17h20 ngày 16/12, tài xế Trương Vạn Nhật (27 tuổi, trú xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) điều khiển xe bán tải BKS 43C-256.30 đã tông vào 2 xe mô tô đoạn gần ngã tư Quảng Nam - Mai Đăng Chơn. Hậu quả khiến 3 người thiệt mạng
Kết quả kiểm tra nồng độ cồn của tài xế Trương Vạn Nhật là 1,288mg/lít khí thở.
Rất nhiều trường hợp say xỉn khi lái xe đã phải chịu những mức xử phạt tương xứng. Thậm chí không ít trường hợp phải trả giá bằng chính cuộc đời của người vi phạm, bằng mạng sống của những nạn nhân. Nỗi ám ảnh, hối hận đeo đuổi họ suốt cả cuộc đời. Vậy mà "ma men" sau tay lái vẫn là vấn nạn, gây ra nỗi kinh hoàng cho nhiều người khi tham gia giao thông
Lái xe sau khi uống rượu, bia đã trở thành vấn nạn ở nước ta từ hàng chục năm nay. Theo thống kê mới nhất, Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia. Lực lượng chức năng phải căng mình xử lý vi phạm nồng độ cồn, nhưng sẽ rất khó nếu người dân vẫn không ý thức được sự nguy hiểm của rượu bia. Năm hết, tết đến, mỗi người khi ra đường càng phải ghi nhớ khẩu hiệu đơn giản: "Đã uống rượu bia thì không lái xe", bới sau tay lái không chỉ là sự an toàn của chính chúng ta, mà còn là sự bình yên của rất nhiều người khác.
Cùng trao đổi về thực trạng này với Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!