Hôm nay (26/12) là Ngày dân số Việt Nam. Nhìn lại cơ cấu dân số nước ta hiện nay sẽ thấy nổi lên nhiều thách thức, trong đó có tình trạng mất cân bằng giới tính. Nguyên nhân chính dẫn tới việc này là vẫn tồn tại tâm lý "có con trai để nối dõi tông đường".
Theo báo cáo tổng quan về bình đẳng giới năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là khoảng 111,5 bé trai trên 100 bé gái. Hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh này trước đây xảy ra chủ yếu ở thành thị, vùng đồng bằng Bắc Bộ thì nay đã lan rộng ra hầu khắp cả nước.
Hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Ba - huyện Thường Tín, Hà Nội đều là công nhân, tổng thu nhập hàng tháng hơn 10 triệu đồng. Mặc dù biết vất vả để có thể trang trải đủ cho cả gia đình, nhưng đó vẫn không phải là rào cản khiến vợ chồng anh sinh thêm con. Đã có 2 cậu con trai nhưng để yên tâm hơn về người nối dõi tông đường, họ tiếp tục sinh thêm 1 cậu con nữa.
Mất cân bằng giới tính khi sinh gia tăng nhanh.
Tâm lý chuộng con trai hơn con gái, những định kiến giới dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh gia tăng ở Việt Nam và ngày càng trầm trọng. Cụ thể, ở một lớp học trường mầm non Hoa Sen (Hà Nội) số lượng bé trai đã gấp nhiều hơn 2 lần bé gái.
Một trong những hệ lụy trước mắt, có thể dễ dàng nhìn thấy được mà các nhà nhân khẩu học gọi là "sức ép hôn nhân", thiếu hụt nữ giới. Dự báo, nếu tỷ số giới tính khi sinh hiện tại không thay đổi đến năm 2034 sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15 - 49 và con số này vào năm 2059 sẽ tăng lên thành 2,5 triệu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!