Mệnh lệnh từ trái tim người thầy thuốc trên “chuyến bay số 91”

Vũ Em - Lan Chi-Thứ tư, ngày 17/06/2020 17:39 GMT+7

VTV.vn - Với những thầy thuốc Việt Nam, cứu người là mệnh lệnh xuất phát từ trái tim, là lời thề Hyppocrates khắc sâu trong tâm khảm dù bệnh nhân khác biệt về tiếng nói, màu da...

Bệnh nhân 91 (43 tuổi, quốc tịch Anh) - phi công của hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) - có lẽ là người được nhắc tới nhiều nhất thời gian qua trong số các ca bệnh COVID-19 điều trị tại Việt Nam. Từ tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc", đến nay, bệnh nhân 91 có thể ngồi dậy, cử động cơ thể theo y lệnh của bác sỹ và đặc biệt là đã cai máy thở.

Đây là thành quả sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của các y bác sĩ Việt Nam. Nhiều người gọi đây là kỳ tích nhưng kỳ tích không tự dưng có được mà đó là sự nỗ lực đáng tự hào của ngành y tế Việt Nam.

RÒNG RÃ NHỮNG NGÀY CĂNG THẲNG, KHÔNG RỜI BỆNH NHÂN 91 NỬA BƯỚC

Vào những ngày bệnh nhân 91 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, chúng tôi may mắn có mặt chứng kiến cao độ làm việc của các y bác sĩ. Tại phòng trực, gần chục y, bác sĩ lúc nào cũng căng thẳng theo dõi diễn tiến bệnh nhân trên màn hình camera và hồ sơ bệnh án. Phòng áp lực âm luôn có mặt các y, bác sĩ. Người này vừa ra, người khác lại chuẩn bị nghiêm ngặt phòng hộ cá nhân bước vào kiểm tra các thông số của bệnh nhân.

TS.BS. Nguyễn Văn Hảo - Trưởng khoa Hồi sức chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - nhớ lại: "Lúc đầu bệnh nhân nhập viện chưa thấy dấu hiệu nặng. Nhưng sau 5 - 7 ngày, bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp. Lúc này bệnh viện quyết định hồi sức với oxy lưu lượng cao, thở không xâm lấn. Sau đó, bệnh nhân suy hô hấp càng lúc càng nặng, viêm phổi càng lúc càng xấu hơn. Chúng tôi đã quyết định thở xâm lấn, tức là đặt ống nội khí quản. Lúc này vấn đề lây nhiễm cho nhân viên y tế rất cao nên bệnh nhân đã được đưa vào phòng áp lực âm".

Mệnh lệnh từ trái tim người thầy thuốc trên “chuyến bay số 91” - Ảnh 1.

TS.BS. Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh: "Điều dưỡng và bác sĩ lúc nào cũng trong phòng áp lực âm, dù phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao".

Nhận thấy bệnh nhân không đáp ứng với thở máy thông thường, một ê-kíp gồm 4 bác sĩ chuyên về tim phổi nhân tạo (ECMO) từ Bệnh viện Chợ Rẫy sang điều trị cho bệnh nhân. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã thành lập ê-kíp gồm 4 bác sĩ tinh nhuệ phối hợp cùng các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy túc trực thường xuyên bên bệnh nhân 91. Cùng với đó, các chuyên gia hàng đầu của bệnh viện và của cả 3 miền Bắc - Trung - Nam thường xuyên hội chẩn trực tuyến bàn cách cứu nam phi công người Anh.

"Diễn biến bệnh của bệnh nhân liên tục bất thường, càng lúc càng nặng và cực kỳ phức tạp. Ngoài vấn đề tổn thương phổi, bệnh nhân còn có vấn đề tăng đông với tất cả biểu hiện của hội chứng Cytokine. Cytokine là hội chứng hệ miễn dịch phản ứng quá mạnh sẽ phóng thích ra cytokine gây phản ứng viêm rất dữ dội" - TS.BS. Nguyễn Văn Hảo giải thích.

Một mặt các bác sĩ chạy ECMO, một mặt phải xử lý chống đông máu. Không chỉ chuyên khoa hồi sức, tất cả các chuyên khoa đều vào cuộc để "giành giật" sự sống cho bệnh nhân 91.

"Cực kỳ áp lực. Thứ nhất là mình phải thường xuyên theo dõi bệnh nhân, không rời bệnh nhân nửa bước. Điều dưỡng và bác sĩ lúc nào cũng trong phòng áp lực âm, dù phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao. Mạch và huyết áp của bệnh nhân giai đoạn đầu dao động nhiều, có lúc tụt huyết áp, có lúc chúng tôi phải dùng vận mạch. Chúng tôi phải chỉnh máy thở liên tục, rồi chỉnh máy lọc máu" - TS.BS. Nguyễn Văn Hảo kể lại những ngày các y, bác sĩ không rời bệnh nhân 91 nửa bước.

Quá trình nỗ lực cứu bệnh nhân 91 của các y, bác sĩ Việt Nam


CỨU SỐNG BỆNH NHÂN 91 LÀ TRÁCH NHIỆM, LƯƠNG TÂM CỦA NGƯỜI THẦY THUỐC!

Sau khi chụp CT phổi và cho kết quả toàn bộ hai bên phổi gần như đông đặc, trắng xóa, chỉ còn 10% hoạt động, bệnh nhân 91 phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào máy ECMO. Nếu ngưng ECMO, bệnh nhân sẽ chết. Lúc này, sự căng thẳng của các y, bác sĩ lên đến tột độ bởi tính mạng của nam phi công ngày càng nguy kịch.

Các y, bác sĩ căng mình chạy đua với thời gian, hội chẩn 3 miền tìm cách cứu chữa nam phi công người Anh.

Một cuộc hội chẩn 3 miền diễn ra ngay sau đó, cân nhắc chỉ định ghép phổi cho bệnh nhân 91. Kết thúc cuộc hội chẩn, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - từng chia sẻ: "Đối với ngành y, đối với thầy thuốc, chúng tôi lúc nào cũng đặt quan điểm ‘còn nước còn tát’ với tất cả người bệnh, dù đó là người Việt Nam hay người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam. Thế nên đối với bệnh nhân 91 này, chúng tôi tìm mọi biện pháp giúp việc điều trị cho bệnh nhân có hiệu quả nhất. Đó là lương tâm của người thầy thuốc! Các biện pháp kỹ thuật dù có vất vả, dù có thể là tốn kém, nhưng các thầy thuốc Việt Nam luôn luôn hết lòng phục vụ cho người bệnh bằng tất cả các biện pháp mà ngành y tế Việt Nam có thể thực hiện được".

Sau cuộc hội chẩn, một hội đồng chuyên môn chuyên về ghép phổi đã được lập ra với sự vận dụng về trí tuệ tập thể để tìm ra các yếu tố phù hợp trong việc ghép phổi. Thách thức tìm ra được người cho cũng là một khó khăn lớn. Bộ Y tế khẳng định chỉ ghép phổi từ người cho chết não bởi cả hai phổi của bệnh nhân đều tổn thương.

Những ngày sau đó, với nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân 91 có 6 lần liên tiếp cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2, kết quả nuôi cấy cũng cho thấy virus đã bất hoạt. Các bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã hoàn thành sứ mạng điều trị cho bệnh nhân không còn SARS-CoV-2. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn còn rất nặng, chưa thể ghép phổi vì còn nhiễm trùng. Tiểu Ban điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 đã quyết định chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM để tiếp tục điều trị.

Hành trình cứu sống bệnh nhân lại tiếp tục với trách nhiệm, lương tâm của người thầy thuốc Việt Nam...

NỖ LỰC ĐIỀU TRỊ TỐT NHẤT CHO BỆNH NHÂN 91 NHƯ MỘT BIỂU TƯỢNG TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG COVID

Chiều 22/5, sau khi tiếp nhận bệnh nhân 91, ngay trong đêm, ê-kíp phụ trách điều trị cho bệnh nhân 91 của Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành hội chẩn và đánh giá tình trạng của bệnh nhân. BS CKII Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, bệnh viện huy động toàn lực để cứu chữa cho bệnh nhân 91, đến khi bệnh nhân có đầy đủ các yếu tố thuận lợi về sức khỏe sẽ tiến hành ghép phổi theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID -19.

Ròng rã 1 tuần, bệnh nhân đã có những dấu hiệu hồi phục kỳ diệu khi vùng phổi trắng của bệnh nhân đã ít, 20 - 30% phổi có dấu hiệu hồi phục.

Ngày 29/5, bệnh nhân có phản xạ tốt hơn, có thể xoay đầu khi nhận y lệnh từ bác sĩ, sức cơ tay chân cũng khá hơn, tình trạng cứng hàm cũng cải thiện, đã ngậm được kín miệng. Tuy nhiên, vẫn còn cứng khớp vai và khớp cổ chân tay nên bệnh nhân đang được tích cực tập vật lý trị liệu.

Đến ngày 2/6, lần đầu tiên sau hơn 2 tháng nhập viện, khoảnh khắc nam phi công mỉm cười, có thể cầm ly uống nước đã làm trái tim nhiều người thổn thức.

Sau khi được điều trị khỏi COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, BN91 được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị. Khoảnh khắc nam phi công mỉm cười, có thể cầm ly uống nước làm trái tim nhiều người thổn thức.

Ngày 3/6, bệnh nhân chính thức được cai ECMO - một bước ngoặt lớn trong điều trị. Ngày 9/6, bệnh nhân có thể ngồi dậy, đung đưa chân theo y lệnh của bác sĩ cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng. "Đó là khoảnh khắc mà toàn thể nhân viên Bệnh viện Chợ Rẫy cũng mỉm cười. Rất hạnh phúc để cùng mỉm cười cùng với bệnh nhân. Còn khoảnh khắc tuyệt vời về mặt chuyên môn là khoảnh khắc cai ECMO. Điều này khẳng định khả năng sống của bệnh nhân là có hay không. Tất cả mọi người đều nỗ lực ngày đêm, không còn khái niệm thời gian" - Bác sĩ CKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, chia sẻ.

Đến thời điểm hiện tại (ngày 17/6), bệnh nhân 91 đã ngưng thở máy 5 ngày, ngừng sử dụng toàn bộ thuốc kháng sinh, hiện chỉ còn phải sử dụng một thuốc kháng nấm và bắt đầu tập đi. Dấu hiệu hồi phục kỳ diệu này của bệnh nhân 91 cũng chính là sự nỗ lực đáng tự hào của ngành y tế Việt Nam. Suốt hơn 3 tháng qua, việc đội ngũ các bác sĩ, chuyên gia y tế của Việt Nam nỗ lực điều trị cho nam phi công người Anh giống như một biểu tượng trong cuộc chiến chống COVID-19 ở nước ta, đúng như điều Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn.

Bệnh nhân 91 tỉnh hoàn toàn, có thể mỉm cười, bắt tay y, bác sĩ Việt Nam

Chia sẻ trên diễn đàn Quốc hội ngày 13/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh:

Việc Việt Nam tập trung cứu chữa cho các bệnh nhân, nhất là bệnh nhân 91, không chỉ thể hiện tinh thần của người thầy thuốc là tất cả bệnh nhân đều được cứu chữa như nhau mà còn thể hiện đạo lý của người Việt Nam như câu nói “nhịn miệng đãi khách đường xa”

“Chúng ta rất may mắn là chưa phải vào thế lựa chọn là ưu tiên chữa cho ai hơn, vì Việt Nam đã khống chế tốt dịch bệnh. Nhưng giả sử đặt ra trường hợp đó thì Việt Nam nhất định không vì người Việt Nam mà không chăm lo tốt cho người nước ngoài. Tất cả những giá trị đó, tôi cho rằng, chúng ta tiếp tục khơi dậy và phát huy để Việt Nam ngày càng được bạn bè quốc tế tin yêu hơn” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Trước đó, Tổng Lãnh sự Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Ian Gibbons, cũng đã gửi lời cảm ơn chân thành đến các y, bác sĩ tận tụy chăm sóc bệnh nhân 91. Điều đó cho thấy tài năng và tâm huyết của các bác sĩ Việt Nam một lần nữa được nhắc đến như một điểm sáng ấm áp giữa đại dịch COVID-19 nguy hiểm.

Có thể nói rằng cho dù nam phi công người Anh một thân một mình chống chọi với "tử thần" COVID-19 ở Việt Nam, không hề có người thân bên cạnh nhưng bên giường bệnh của ông luôn có cả một đội ngũ "từ mẫu" túc trực cùng cả triệu trái tim luôn dõi theo mỗi ngày. Mỗi tín hiệu hồi phục tích cực của bệnh nhân 91, dù chỉ là những cử động nhỏ như mỉm cười với các y, bác sĩ, tự cầm cốc uống nước, bấm bàn phím... đều khiến triệu người reo vui, mong ngày nam phi công sớm bình phục!

Bệnh nhân 91 ngồi dậy, cử động chân theo y lệnh

Mặc dù có những tiến triển kỳ diệu về mặt sức khỏe, nhưng các chuyên gia tổ điều trị cho hay bệnh nhân 91 vẫn cần thêm thời gian để phục hồi đáp ứng với gắng sức và chức năng vận động, trong quá trình hồi phục có thể bị những đợt nhiễm trùng mới.

Kỳ vọng những điều kỳ diệu sẽ tiếp tục được viết tiếp trên "chuyến bay số 91"!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước