Mỗi năm, Việt Nam phát sinh khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa

Lan Phương, Thanh Long-Thứ năm, ngày 31/08/2023 22:27 GMT+7

VTV.vn - Mỗi năm, Việt Nam phát sinh khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon, phần lớn đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.

Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa

Việt Nam đứng thứ 4 trong số 20 quốc gia có tổng lượng nhựa thải ra biển lớn nhất thế giới. Hiện nước ta đang tích cực xây dựng dự thảo ban đầu của Thỏa thuận có ràng buộc pháp lý đầu tiên về ô nhiễm nhựa. Đó là: giảm nhựa và xóa bỏ ô nhiễm nhựa vào năm 2040 do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc đề xuất.

Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng và sử dụng nhựa tái chế trong các sản phẩm. Ngành sản xuất nhựa sẽ phải tuân thủ chặt chẽ quy định về Trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm thải bỏ, nhằm hướng đến chấm dứt ô nhiễm nhựa, giảm sản xuất và thải bỏ nhựa. Sau 2 phiên đàm phán tại Uruguay năm 2022 và Pháp tháng 6/2023, phiên thứ 3 sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay tại Kenya. Các cuộc đàm phán sẽ được tiếp tục nhằm nỗ lực thông qua Thỏa thuận vào cuối năm 2024. Là thành viên tích cực có trách nhiệm đối với vấn đề ô nhiễm nhựa, Việt Nam ủng hộ việc giải quyết theo hướng kinh tế tuần hoàn, tăng nhựa tái sinh.

Theo Tổ chức môi trường Liên Hợp Quốc, thế giới có thể giảm tới 80% ô nhiễm nhựa vào năm 2040; với điều kiện: các quốc gia phải hành động ngay và cùng nỗ lực phối hợp thực hiện.

Tuy nhiên, trong bối cảnh lượng rác thải nhựa ngày càng nhiều và sản lượng nhựa của thế giới sẽ tăng gấp đôi trong 10-15 năm tới và tăng gấp ba vào năm 2050, thì rất nhiều quốc gia phải đối mặt với các thách thức để giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa. Việt Nam đã và đang sẵn sàng tham gia Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa nhưng không ít thách thức.

Khó khăn xử lý, tái chế rác thải nhựa

Rác thải nhựa bị thải bỏ đủ loại, từ hộp đựng thức ăn, chai nước hay can đựng xà phòng..

Lâu nay hoạt động thu gom rác thải nhựa, nilon hầu hết do các lao động thủ công hay còn gọi là đồng nát, ve chai đảm nhiệm. Nhưng họ chưa được hướng dẫn, hỗ trợ, phân loại các loại rác thải nhựa, đều dựa theo kinh nghiệm.

Là 1 trong những đơn vị có mạng lưới thu gom nhựa để tái chế khá lớn, với hơn 2.000 điểm thu mua nhựa thải bỏ nhưng hàng ngày, công nhân của cơ sở tái chế này vẫn phải phân loại các loại rác thải nhựa một cách thủ công.

Sau khi rác nhựa được thu gom, những người công nhân tiếp tục phân loại nhựa ra màu sắc hay chủng loại khác nhau. Nhưng công đoạn này tiêu tốn thời gian, đội giá thành nhân công, bởi trong các loại nhựa được phân loại ở đây, có những sản phẩm tích hợp 3-4 loại nhựa. Đó cũng là nguyên nhân khiến vòng tuần hoàn của nhựa bị giảm đi rất nhiều.

Để sản phẩm đạt được vòng tuần hoàn nhiều nhất đòi hỏi nhựa phải được tái chế nhiều nhất. Nhưng trong điều kiện thu gom, tái chế ở nước ta hiện nay, chất lượng sản phẩm tái chế sẽ không đảm bảo.

Nhiều làng nghề tái chế nhựa cũng đang hoạt động tự phát, với sự tham gia của hàng nghìn người lao động-chưa được công nhận là lực lượng chính thức. Trong điều kiện hạ tầng về nhà xưởng và thiết bị cũ kỹ, không đảm bảo thì khó tránh khỏi tái chế gây ô nhiễm môi trường.

Việt Nam nỗ lực giảm ô nhiễm nhựa

Trong bối cảnh hầu hết các quốc gia ở châu Á đều ủng hộ Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, Việt Nam đã và đang nỗ lực để giải quyết những tồn tại trong quản lý rác thải, trong đó có rác thải nhựa. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với quy định bắt buộc phân loại rác tại nguồn từ năm 2025 cho thấy: Việt Nam đã sẵn sàng cùng các quốc gia giải quyết bài toán ô nhiễm rác thải nhựa. Song, vẫn cần giải quyết nhiều vấn đề như xây dựng cơ chế hợp tác với các nước phát triển, thay đổi thói quen của cộng đồng, đầu tư hạ tầng xử lý, tái chế, chuyển đổi sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước