Mòn mỏi chờ đợi công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng

Nhóm phóng viên-Thứ tư, ngày 10/06/2020 14:53 GMT+7

VTV.vn - Tình trạng ngập sâu mỗi khi có mưa lớn, triều cường không chỉ gây khó khăn cho người dân đô thị trong các sinh hoạt đời sống mà còn gây thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế.

Hơn 1 tháng qua, những cơn mưa đầu mùa tại TP.HCM đến rất nhanh, nước như thác đổ, lượng mưa đo được đã lên đến 80-100 mm. Nhiều tuyến đường trung tâm thành phố và các quận 12, quận Thủ Đức đã bị ảnh hưởng nặng nề vì nước thoát không kịp. Cũng vì thoát nước không kịp, hàng trăm phương tiện, người xe lội bì bõm trong mưa vào giờ tan tầm, vào đêm khuya mỗi khi có mưa.

Bì bõm trong nước mưa

12h, con nước lên, bèo lục bình, xuồng ba lá nương theo con nước từ sông Sài Gòn đổ ngược vào kênh Tàu Hủ lững lờ trôi ngang qua một trong những cửa công trình chống ngập đang thi công.

10 phút sau, trời đổ mưa, nước ùn ứ không kịp thoát. Nhiều tuyến đường, người xe lội bì bõm sau khi mưa kết thúc. Nhìn từ trên cao, hàng đoàn phương tiện nối đuôi nhau lội nước.

Mòn mỏi chờ đợi công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Hàng dài xe nối đuôi nhau lội nước.

Đường Nguyễn Văn Quá được nâng cấp chống ngập với hàng trăm tỷ đồng cách đây 5 năm nhưng cứ mưa lại ngập. Quán xá hai bên đường sau thời gian tạm nghỉ vì dịch, nay mở cửa trở lại tiếp tục thất thu vì mưa. Chuyện ngập xảy ra sau cơn mưa đã là chuyện thường tại con đường này.

Mặc dù tình hình ngập nước vẫn diễn ra phức tạp nhưng tổng thể TP.HCM đã có những bước tiến đáng kể trong công tác chống ngập. Ngay trong ngày 9/6, Trung Tâm chống ngập TP.HCM đã có buổi họp báo để có những đánh giá đầy đủ nhằm đưa ra những giải pháp để khắc phục.

Giảm ngập trên nhiều tiêu chí

Năm 2008, TP.HCM có 126 tuyến đường ngập khi mưa cường độ lớn thì hiện nay còn 22 tuyến đường. Chiều sâu nước ngập giảm còn 10-30cm. Thời gian nước rút sau mưa từ 4-6 tiếng đồng hồ, hiện cũng giảm xuống còn từ 10-40 phút. Theo đơn vị quản lý, vấn đề của những tuyến đường ngập còn lại nằm ở hệ thống cống thoát nước mà sự đầu tư từ mỗi ngân sách thành phố là chưa đủ.

Mòn mỏi chờ đợi công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Thành phố đang huy động tất cả nguồn lực cùng vào cuộc để công trình chống ngập do triều lớn nhất thành phố đi vào hoạt động đúng tiến độ. Đặc biệt, xử lý các công trình sai phạm, trái phép ảnh hưởng đến tổng thể quy hoạch chống ngập.

Bên cạnh việc đầu tư duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống thoát nước, vận hành các công trình chống ngập, ngành chức năng TP.HCM cũng mong muốn nhận được sự chung tay của người dân trong việc sử dụng cống rãnh, xả thải môi trường. Có như vậy, việc chống ngập mới đạt hiệu quả toàn diện.

Đại công trình chống ngập 10.000 tỷ đổng trễ tiến độ 1 năm

Một trong những dự án được chờ đợi đó là Dự án chống ngập do triều cường có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng. Khi hệ thống này được vận hành, các cửa cống sẽ đóng lại khi triều cường lên và mở ra khi triều rút. Trong tình huống triều cường kết hợp mưa, các cửa cống sẽ được đóng lại và hệ thống bơm tiêu thoát nước sẽ được khởi động để thoát nước chống ngập cho toàn thành phố.

Sau hai lần tạm nghỉ vì vốn và vì dịch bệnh, trong đó có lần tạm dừng thi công đến 6 tháng, công trình tiếp tục thi công trở lại các hạng mục còn dang dở. Công trình chống ngập 10.000 tỷ buộc phải dời thời gian hoàn thành dự kiến đến tháng 10/2020.

Mòn mỏi chờ đợi công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng - Ảnh 3.

Như vậy, có lẽ đến cuối mùa mưa năm nay mới thấy được hiệu quả của công trình. Còn hiện tại, các công trình với những giàn giáo là những cột thép bao quanh vẫn nằm đó, chiếm gần hết dòng chảy khi có mưa.

Thời gian qua, cả hệ thống chính trị TP.HCM và người dân bắt tay vào việc chống ngập, kiểm soát rác thải thải ra môi trường làm tắc kênh, cống dẫn nước, nạo vét kênh rạch... Nhiều công trình lớn nhỏ khẩn trương thi công được đa số các hộ dân đồng thuận nhưng đâu đó vẫn còn những cá nhân, tập thể vì lợi ích riêng đã làm ảnh hưởng đến giải pháp giải quyết tình trạng ngập trong mùa mưa ngày càng trầm trọng như hiện nay.

Để giải quyết những vướng mắc còn tồn tại, đồng bộ hóa hệ thống kênh mương thoát nước trong nội thành, TP.HCM đã triển khai chủ trương xã hội hóa các công trình. Phân viện kinh tế xây dựng miền Nam thuộc Bộ Xây dựng vừa hoàn thành phương án giá dịch vụ chống ngập trên địa bàn TP.HCM theo m2. Nếu được áp dụng sớm, phương án giá này sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn lực xã hội hóa trong việc thực hiện chống ngập thời gian tới.

Lùi thời hạn dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM Lùi thời hạn dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM

VTV.vn - Hiện cống ngăn triều Tân Thuận, phía Quận 4 còn vướng một hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè) còn 18 chưa bàn giao mặt bằng ở xã Phú Xuân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước