Xóm nằm sâu trong những cánh đồng trồng chuối, rau muống, được người dân gọi là xóm Phao. Những người dân lao động ở đây đến từ nhiều tỉnh khác nhau nhưng có hoàn cảnh giống nhau, vẫn thường tự nói về mình là có quê để gọi, nhưng không có quê để về. Người dân ở đây là đủ thứ nghề để mưu sinh từ làm việc nông cho đến bốc vác, gánh hàng hay thu mua phế liệu,...
Xóm ngụ cư với gần 30 hộ dân trên những "ngôi nhà" được chắp vá đủ thứ như vải bạt, gỗ vụn...
Trong những ngày Hà Nội rét đậm, có lẽ bãi giữa sông Hồng là một trong những nơi lạnh nhất của Thủ đô. Ở dưới này gần sông, lại nhiều sương nên nhiệt độ lạnh hơn nhiều. Chỉ cần lên cầu là đã cảm thấy nhiệt độ khác hẳn so với dưới bãi giữa.
Thời tiết lạnh buốt mấy ngày nay khiến cuộc sống của người dân trở nên khó khăn hơn, khi mà nhà không có cửa chắn khiến gió lùa lạnh buốt.
Chuồng trâu, bò cũng được phủ bạt, chắn tôn trong những ngày lạnh buốt này.
Cô Hồng đang đun nước nóng để tắm.
Những chiếc xe ở đây thường sẽ có dây ở yên sau vì chúng được dùng để chở hành, là vật giúp người dân mưu sinh. Họ làm đủ thứ nghề như chở hàng ở chợ Long Biên, bốc vác, thu mua phế liệu hay bán ngô, khoai nướng ngay trên cầu.
Không phải gạch hay bê tông mà căn nhà này được kiên cố bởi những bao tải cát và những thanh gỗ nhỏ, chắp vá bằng bạt, chiếu để chống nắng và mùa hè và chống lạnh vào mùa đông.
Đi sâu hơn vào bên trong chính là xóm Phao. Gọi là xóm Phao vì những căn nhà ở đây được dựng trên phao nổi và thùng phi chông chênh dưới mặt nước.
Mỗi khi mưa to, nước dâng đến đâu là nhà nổi lên tới đó. Mấy hôm trời rét đậm, người dân khó ngủ vì quá lạnh, đi mấy lớp tất mà vẫn không thể ấm nổi. Đêm đông gió lùa tứ phía, gần sáng thì hơi nước từ sông bốc lên làm sàn bè lạnh buốt.
Những miếng ván được chắp nối với nhau để dẫn lối đi vào nhà. Không có rào chắn, khoảng rộng chỉ vừa một người đi và rất chông chênh, nguy hiểm.
Người dân ở xóm Phao không có điện. Họ tận dụng năng lượng gió từ thiết bị tự chế bằng cột sắt và những chiếc thau...
... và sử dụng tấm năng lượng mặt trời trên nóc bè để tích điện dùng cho việc thắp sáng vào buổi tối. Hoặc không thì phải có một bình ắc-quy nhỏ.
Cuộc sống sinh hoạt của bà Tân chỉ gói gọn trong vài mét vuông, lênh đênh sông nước nhất và những mùa mưa lũ, sóng to gió lớn khiến các hộ dân thấp thỏm lo âu.
Phương tiện mưu sinh của bà Tân được dựng ở bãi đất trước nhà.
Nhiều gia đình đã sống ở đây được 3 thế hệ, hầu hết vợ chồng không đăng ký kết hôn nên những đứa trẻ sinh ra ở đây cũng không có giấy khai sinh và thiệt thòi lớn nhất của các em là không được đi học. Vì lo lắng như vậy nên đích thân ông Được (74 tuổi) đã tìm hiểu hoàn cảnh của từng người rồi lặn lội về địa phương để xác minh lý lịch. Khi bố mẹ đã rõ lý lịch, nguồn gốc, những đứa trẻ sẽ được đăng ký khai sinh và được tới trường. Người dân trong xóm đã tin tưởng và bầu ông Được là trưởng xóm để giữ gìn an nình trật tự. Hiện nay, những đứa trẻ sinh ra ở xóm ngụ cư này đều có giấy khai sinh và được đến trường, đi học như bao đứa trẻ khác.
Ông Được đang kéo tấm bạt ra để che cửa, chắn gió.
Dù có tấm bạt nhưng mấy hôm trời rét đậm, ông Được vẫn phải mặc nhiều áo, đi nhiều lớp tất để giữ ấm cơ thể trong lúc ngủ.
Ông vẫn rất lạc quan: "Thế này là yên tâm rồi."
Chiếc xích lô là công cụ mưu sinh của ông. Hàng ngày ông đi làm từ sáng sớm và đến khoảng 7h tối mới về nhà.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!