Những ngày qua, nhiều nơi trên dải đất hình chữ S quay cuồng trong lũ dữ. Mưa lụt nhấn chìm nhiều ngôi nhà, cướp đi mạng sống, xé ngang dọc các khu dân cư. Dọc theo dòng nước là cảnh tan hoang. Cùng lúc phải khắc phục hậu quả trận mưa lụt, nhiều người đặt ra câu hỏi, công tác cảnh báo liệu đã tốt chưa? Bài học rút ra là gì?
Một Đà Nẵng rất khác sau trận mưa lụt lịch sử. Mưa kéo theo lũ đã để lại hậu quả nghiêm trọng cả về người và tài sản, 3 người đã tử vong. Đây là điều bất ngờ không chỉ với người dân Đà Nẵng. Bởi không ai có thể nghĩ rằng, một đô thị loại 1 lại có thể tan hoang đến vậy sau trận mưa lớn.
Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là Đà Nẵng đã hứng chịu một lượng mưa lớn chưa từng có trong lịch sử, chỉ trong một thời gian ngắn.
Đà Nẵng mưa lớn lịch sử
Mưa bắt đầu nặng hạt từ khoảng 6h, càng về chiều tối càng xối xả. Tổng lượng mưa trong khoảng 16 tiếng lên tới 795 mm, cao hơn cả tổng lượng mưa trung bình 1 tháng. Con số 795 mm cũng đã vượt kỷ lục lượng mưa trong một ngày từng ghi nhận ở đây.
Nếu không được ứng cứu, người dân rơi vào tình huống này rất có thể gặp nguy hiểm đến cả tính mạng. Ảnh: Công an TP Đà Nẵng
Lực lượng chức năng phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) khẩn trương đưa trẻ em tại các hộ dân bị ngập đến nơi an toàn. Ảnh: TTXVN phát
Người dân quận Thanh Khê (Đà Nẵng) dùng ván chắn không cho nước từ ngoài đường tràn vào nhà. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN
Nước tràn vào nhà người dân tại quận Thanh Khê (Đà Nẵng), tối 14/10. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN
Bất ngờ và cả bất lực là những chia sẻ của người dân trước trận mưa lớn chưa từng có này. Vài tiếng sau mưa, những con đường của Thành phố Đà Nẵng như biến thành sông. Đến nửa đêm, có người dân vẫn phải đứng ngoài đường.
Người may mắn kịp về đến nhà cũng chỉ biết đứng nhìn. Nước dâng cao và quá nhanh, hầu hết các gia đình không kịp sơ tán đồ đạc.
Mưa chỉ kéo dài vài tiếng trong đêm ngày 14, nhưng 1-2 ngày sau, nhiều khu dân cư vẫn ngập nước, rác lẫn với đồ đạc trôi khắp nơi.
Hàng trăm ô tô, xe máy hư hỏng nặng. Từ hầm của các chung cư đến hầm đường bộ Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương - Lê Độ - công trình trăm tỷ vừa khánh thành, nước ngập đến gần nóc ô tô.
Các đường cống thoát nước bị sạt lở, hư hại nghiêm trọng tại khu vực Bán đảo Sơn Trà do bão số 5 gây ra. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN
Hàng chục mét đường bị sạt lở vào sát nhà dân tại khu vực Bán đảo Sơn Trà do bão số 5 gây ra. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN
Sáng 15/10, hàng loạt xe máy của người dân bị ngập nước được đem ra dựng đứng để nước chảy ra ngoài. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
Đợt mưa lớn khốc liệt hoàn lưu cơn bão số 5 vừa qua đã gây sạt lở dữ dội tại nghĩa trang thành phố tại Hòa Sơn, Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Ảnh: PLO.
Nguyên nhân mưa lụt lịch sử tại Đà Nẵng
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai đã có nhận định từ chuyên gia về khả năng ứng phó của chính quyền và người dân Đà Nẵng trước trận mưa lụt chưa từng có này. Liệu việc ngập úng nghiêm trọng có phải do hệ thống thoát nước không đáp ứng được không? Tại sao một thành phố biển như Đà Nẵng lại xảy ra trận ngập lụt nặng như vậy?
Dưới góc độ khí tượng, các chuyên gia đã chỉ ra một số nguyên nhân chính sau đây.
Trước tiên là sự xuất hiện của tổ hợp hình thế gây mưa điển hình ở Trung Bộ gồm không khí lạnh, nhiễu động gió đông cùng với dải hội tụ nhiệt đới và áp thấp nhiệt đới. Các hình thế này kết hợp với nhau dồn một lượng ẩm khổng lồ từ biển vào, hội tụ với địa hình đón gió của dãy Trường Sơn trút mưa dồn dập.
Thứ hai là tổng lượng mưa trong khoảng 16 tiếng trong chiều và đêm 14/10 ở Đà Nẵng kỷ lục chưa từng ghi nhận trong quá khứ.
Mưa lớn khiến nhiều nhà dân tại quận Thanh Khê (Đà Nẵng) bị ngập. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN
Các tuyến đường tại Đà Nẵng ngập sâu do mưa lớn kéo dài. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN
Lượng nước khổng lồ trút xuống trong khi triều cường tại khu vực Đà Nẵng ở mức cao. Nước triều giống một con đê chặn ở cửa sông, khiến nước ngập không thể thoát, nước dồn ứ lại và dâng cao trong thành phố.
Bên cạnh đó, theo quy luật hàng năm, tháng 10 và tháng 11 cũng là thời kỳ khu vực miền Trung có mưa lớn nhất trong năm. Năm nay, do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, không khí lạnh hoạt động sớm nên mưa lũ sẽ lớn hơn năm bình thường.
Cũng theo chuyên gia, dù chúng ta đã có rất nhiều hình thức cảnh báo, dự báo nhưng việc chủ động ứng phó với thiên tai là điều không dễ dàng. Công tác cảnh báo, dự báo cũng cần có những cải thiện.
Ngày 17/10, nhiều học sinh vẫn chưa thể tới trường học, các nhà máy xí nghiệp cũng vừa mới quay lại hoạt động sản xuất sau vài ngày đình trệ.
Nhiều trường của TP Đà Nẵng, nhất là khu vực huyện Hòa Vang, Thanh Khê, Hải Châu bị ngập nặng và hư hỏng các thiết bị giảng dạy.
Mưa lũ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất ở một thành phố đô thị loại 1 - điều chưa từng xảy ra và có lẽ là chúng ta cũng chưa từng nghĩ đến. Hi vọng đây sẽ là những kinh nghiệm quý báu, trong công tác dự báo của cơ quan chức năng, cũng như kinh nghiệm phòng chống mưa lũ cho mỗi người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!