Với mức tăng 12,4% tiền lương tối thiểu vùng 2016, không ít ý kiến doanh nghiệp cho rằng điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh năng suất lao động của doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 4%.
Xung quan vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Quốc hội vẫn cho rằng, trước mắt mức 12,4% là hài hoà lợi ích giữa người lao động với doanh nghiệp. Tuy nhiên về lâu dài, mức tăng lương tối thiểu chỉ nên bằng hoặc thấp hơn mức tăng của năng suất lao động.
Theo đại diện tổ chức lao động Quốc tế ILO tại Việt Nam, hiện năng suất lao động của doanh nghiệp Việt Nam đạt 4,3%. Đây là mức tăng trung bình trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, nếu xét trong cả giai đoạn từ 2004 – 2012, Việt Nam lại là nước có tốc độ tăng năng suất lao động nhanh nhất trong khu vực. Rõ ràng đang có một khoảng cách khá lớn nếu so mức tăng năng suất 4,3% với mức đề xuất tăng tiền lương tối thiểu 12,4%.
Tuy nhiên, ông Philip Hazelton, Cố vấn trưởng Dự án quan hệ lao động tại Việt Nam đánh giá: Mức 12,4% là phù hợp để Việt Nam sớm đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động.
Bên cạnh đó, một số ý kiến nhận định: Khoảng cách khá lớn giữa mức đề xuất tăng tiền lương tối thiểu với mức tăng năng suất lao động sẽ tạo ra áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ để đảm bảo khả năng cạnh tranh trong và ngoài nước.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.