Nếu như trước đây, tội phạm lừa đảo thường xuất hiện chủ yếu thông qua các giao dịch dân sự như vay mượn tiền, tài sản, thì nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội đã trở thành mảnh đất màu mỡ để các đối tượng lừa đảo thực hiện hành vi phạm tội. Chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để lừa đảo là 1 chiêu trò xuất hiện thường xuyên trên không gian mạng.
Mới đây, Công an huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã phát đi cảnh báo, người dân cần đề cao cảnh giác trước chiêu trò này khi bắt giữ được 1 đối tượng lừa đảo xin dấu tích xanh hay dấu xác thực thể hiện sự ảnh hưởng của 1 cá nhân hay 1 thương hiệu tới cộng đồng trên Facebook.
Cảnh giác chiêu trò cấp dấu tick xanh
Tại cơ quan công an, Nguyễn Văn Mạnh khai nhận, cách đây ít lâu đã chủ động làm quen, rồi hứa hẹn giúp lên tick xanh, tăng tương tác cho tài khoản facebook của 1 phụ nữ là chủ 1 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ ở TP Hồ Chí Minh.
Sau khi nhận 15 triệu đồng tiền phí dịch vụ từ người phụ nữ này, đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt tiền và không thực hiện như thỏa thuận.
Với thủ đoạn tương tự, Mạnh đã không chỉ chiếm đoạt tiền của nhiều bị hại khác mà còn chiếm luôn quyền truy cập các tài khoản facebook nhờ xin tick xanh và đòi tiền chuộc.
Cơ quan công an nhận định, khi nhu cầu sử dụng mạng xã hội tăng cao, rất nhiều người mong muốn có được dấu tick xanh Facebook để thể hiện bản thân hoặc thương hiệu của mình có ảnh hưởng tới cộng đồng. Chính điều này đã bị các đối tượng lừa đảo như Nguyễn Văn Mạnh triệt để lợi dụng. Những nghệ sĩ, người nổi tiếng, người kinh doanh chính là những trường hợp thường bị các đối tượng lừa đảo đưa vào tầm ngắm.
Cơ quan công an cũng đưa ra khuyến cáo, tick xanh cho tài khoản mạng xã hội đòi hỏi những điều kiện khắt khe. Trên thực tế, chỉ có nhà cung cấp dịch vụ Facebook mới có chức năng thẩm định, kiểm duyệt và cấp tick xanh khi đủ điều kiện. Do vậy, lừa đảo xin tick xanh cho Facebook là một trong những thủ đoạn mới mà những người sử dụng mạng xã hội cần đề cao cảnh giác.
Nhận diện các thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội
Rất nhiều trường hợp bị chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội mà người dân thường không để ý, không hiểu tại sao và cũng không biết làm thế nào để tránh. Do vậy, nhận diện phương thức, thủ đoạn chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội cũng như thận trọng trong việc chia sẻ thông tin cá nhân trên các trang cá nhân cũng chính là cách để mỗi người dân tự bảo vệ mình trước các đối tượng lừa đảo.
Phí Văn Hưng là đối tượng đã bị Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, bắt giữ về hành vi lừa đảo. Trong thời gian ngắn, Hưng cùng đồng bọn đã chiếm đoạt nhiều tài khoản mạng xã hội của người dùng để vay tiền.
Tại cơ quan Công an, đối tượng này khai nhận bất kỳ mạng xã hội nào cũng có thể hack nick chiếm quyền sử dụng nếu chủ tài khoản để chế độ công khai các thông tin cá nhân, địa chỉ và thư điện tử.
Một nạn nhân của thủ đoạn chiếm đoạt tài khoản Facebook để lừa đảo kể lại, anh đã chuyển hơn 4 triệu đồng cho đối tượng chiếm đoạt tài khoản facebook của 1 người quen mà không hề hay biết. Anh cũng cho biết, mình vốn là người rất cẩn thận nhưng kẻ gian đã đưa ra lý do rất thuyết phục khiến anh không hề nghi ngờ và chuyển tiền ngay lập tức.
Như vậy, kẻ gian đã có sự nghiên cứu kỹ về con mồi mà bọn chúng nhắm đến từ cách xưng hô giữa bị hại và bạn bè của họ để tạo được lòng tin. Sau đó, chúng sẽ vẽ ra nhiều câu chuyện khác nhau nghe có vẻ rất hợp lý để hướng đến mục đích cuối cùng là mượn tiền, rồi nhờ chuyển tiền vào một tài khoản khác.
Cơ quan công an nhận định, khi các trường hợp bị chiếm đoạt tài khoản Facebook để lừa đảo là những người có uy tín, có tầm ảnh hưởng trong xã hội, kẻ gian sẽ rất dễ dàng vay mượn tiền bạn bè, người quen của họ. Bởi những người nổi tiếng khi có nhu cầu thường sẽ có rất nhiều người sẵn sàng giúp đỡ.
Nếu người dân phát hiện tài khoản facebook nhắn tin vay tiền đã bị hack, cần thông báo ngay cho bạn bè, người quen và trình báo ngay cho cơ quan công an để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi lừa đảo.
Có lẽ cũng nhiều người đã từng bị nhắn tin qua Facebook hỏi vay tiền nhưng về sau mới biết tài khoản đó đã bị chiếm đoạt để đi lừa đảo. Theo kinh nghiệm bản thân, người được nhờ nên yêu cầu gọi điện trực tiếp, nếu nghe đúng giọng, đúng một số chuyện thì mới là người thật. Còn nếu chỉ nhắn tin thì nhất quyết không cho vay mượn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!