Muôn vàn các kiểu nợ bảo hiểm xã hội

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 24/05/2022 20:27 GMT+7

VTV.vn - Gần 20.600 tỷ đồng là số tiền mà các doanh nghiệp trên cả nước đang nợ bảo hiểm xã hội tính đến hết tháng 3 năm nay, chiếm tỷ lệ hơn 5% so với số phải thu.

Tính chung trong 2 năm qua, số đơn vị nợ bảo hiểm xã hội ngày càng gia tăng và ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm nghìn lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Nhiều người không thể nghỉ hưu hay hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Có doanh nghiệp trước đây có hơn 100 lao động nhưng đến nay chỉ còn 88 người. Số người giảm nhưng số nợ bảo hiểm của doanh nghiệp lại tăng lên. 6 tỷ đồng là số tiền doanh nghiệp đang nợ đóng bảo hiểm của người lao động. Khi bị thanh tra, kiểm tra, doanh nghiệp vẫn hứa sẽ đóng khoản nợ bảo hiểm xã hội nhưng đến khi nào đóng thì không ai biết.

Mặc dù liên tục bị nợ lương, nợ đóng bảo hiểm nhưng nhiều công nhân ở một công trình vẫn tiếp tục làm việc. Vì ở phía yếu thế hơn so với người sử dụng lao động và cũng không biết làm thế nào nên họ vẫn phải chấp nhận.

Hầu hết các doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội nhưng vẫn trừ khoản này trên tiền lương trả cho người lao động hàng tháng. Vì vậy, nhiều lao động bị bất ngờ khi cần giải quyết các chế độ bảo hiểm.

Muôn vàn các kiểu nợ bảo hiểm xã hội - Ảnh 1.

Người lao động liên tục bị nợ lương, nợ đóng bảo hiểm vì yếu thế hơn so với người sử dụng lao động

Không chỉ nợ đóng, nhiều doanh nghiệp còn lách luật bằng cách chia nhỏ mức lương của người lao động để đóng bảo hiểm xã hội ở mức thấp nhất. Điều này gây thiệt thòi cho người lao động khi hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội sau này.

Chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội đã diễn ra từ nhiều năm nay song có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Bên cạnh nguyên nhân khách quan là khó khăn do dịch bệnh, vẫn còn nhiều doanh nghiệp cố tình chây ỳ làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động cũng như số thu bảo hiểm xã hội.

Đến tuổi nhưng không được nhận lương hưu, nghỉ thai sản, thất nghiệp không được hưởng trợ cấp hay nghỉ việc không chốt được sổ bảo hiểm xã hội. Nguyên nhân đều là từ việc người chủ sử dụng lao động nợ hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội. Và người lao động đương nhiên luôn yếu thế khi đòi hỏi quyền lợi.

Nợ bảo hiểm xã hội - tình trạng đã kéo dài nhiều năm. Sau thời gian dịch bệnh lại càng nhiều doanh nghiệp nợ hơn. Trong luật hình sự có quy định khởi tố về việc trốn đóng bảo hiểm xã hội nhưng đến nay cũng chưa vụ nào bị khởi tố. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng cần phải sửa luật để bảo vệ quyền lợi người lao động khi doanh nghiệp nợ - trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Công ty bị thanh tra, tất cả người lao động đều biết họ đang bị nợ đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hy vọng khi công ty khởi sắc sẽ đóng bù miễn là mình có việc làm và thu nhập hàng tháng. Chính sự thỏa hiệp này của người lao động cũng khiến công ty ngày càng chây ỳ và số nợ ngày càng dày lên.

Có công ty lắp ráp ô tô từng là lá cờ đầu cả nước về sản xuất xe bus nhưng giờ đang sống lay lắt với số nợ bảo hiểm xã hội lên tới 7 tỷ đồng, trong đó có 3 tỷ là tiền lãi chậm đóng. Lãnh đạo công ty cho rằng số tiền lãi quá lớn là cản trở cho việc trả nợ của công ty.

Sau dịch bệnh, số tiền các công ty nợ đóng bảo hiểm ngày càng tăng lên. Nhiều công ty đề nghị được khoanh nợ lãi để đóng bảo hiểm cho người lao động và phục hồi sản xuất. Điều này là hợp lý nhưng nhưng vướng một số quy định của luật cần sửa đổi.

Để tạo điều kiện khắc phục tình trạng nợ đóng và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, các công ty được phép tách đóng cho từng đối tượng. Trong bối cảnh cạnh tranh lao động cao như hiện nay, những công ty nợ bảo hiểm cũng sợ bị công khai nên khi có thanh tra vào cuộc thì cố chạy tiền để đóng. Song về lâu dài việc này cần chấm dứt và công ty nào nợ nhiều thì cho ngừng hoạt động.

Trong Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi tới đây, những doanh nghiệp cố tình chây ỳ không đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị cơ quan bảo hiểm thanh tra, xử phạt. Tuy nhiên, mức xử phạt còn thấp chưa đủ răn đe. Ngoài xử phạt hành chính, hai "công cụ" là công đoàn kiện ra tòa và xử lý hình sự đối với doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội nhiều năm qua hầu như không sử dụng được. Chiến dịch thanh tra toàn quốc các doanh nghiệp về chấp hành bảo hiểm xã hội đang diễn ra để bịt lại những lỗ hổng của việc chấp hành đóng bảo hiểm xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước