Nam giới có nguy cơ nhiễm và mắc bệnh do HPV cao hơn nữ giới

P.V-Thứ hai, ngày 06/11/2023 15:32 GMT+7

Chương trình tư vấn trực tuyến diễn ra tối 3/11 với chủ đề "Đúng - Sai về HPV và các bệnh lây nhiễm ở trẻ em và người lớn".

VTV.vn - Khả năng thải loại virus thấp và chưa có kỹ thuật tầm soát sớm HPV ở nam giới khiến đối tượng này có nhiều nguy cơ mắc và tái nhiễm HPV cao hơn cả nữ giới.

Thông tin trên được các bác sĩ đầu ngành đưa ra tại Chương trình Tư vấn trực tuyến với chủ đề "Đúng - Sai về HPV và các bệnh lây nhiễm ở trẻ em và người lớn".

Chương trình diễn ra vào tối 3/11, phát sóng trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam (VTV), Hệ thống tiêm chủng VNVC và Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tâm Anh.

Hàng trăm câu hỏi từ khán giả cả nước gửi về đã được giải đáp bởi các chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm và sản phụ khoa: BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC; BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.

Mở đầu chương trình, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC đã chỉ ra virus HPV là một trong những tác nhân hàng đầu, gây ra ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, âm hộ ở nữ; ung thư dương vật ở nam giới; ung thư hậu môn, ung thư vùng hầu họng, mụn cóc sinh dục trong đó có sùi mào gà ở cả hai giới.

Bác sĩ Chính cho biết, khi nhiễm bệnh, cơ thể có thể đào thải HPV một cách tự nhiên. Năm đầu tiên sau nhiễm bệnh, khả năng thải loại virus ra ngoài cơ thể khoảng 50%. Và năm thứ hai, cơ thể có thể thải loại 90% virus. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra một người có thể nhiễm HPV nhiều lần trong đời và nhiễm nhiều chủng HPV cùng một lúc. Thời gian mang virus HPV đến khi phát bệnh có thể lên đến 10-20 năm.

Bên cạnh đó, virus HPV có gần 200 chủng khác nhau. Nhiễm và loại thải một chủng, người nhiễm vẫn đứng trước nguy cơ tái nhiễm hoặc nhiễm chủng HPV khác.

Đặc biệt, khả năng thải loại virus HPV ở nam kém hơn nữ 26%. Ở nữ giới, độ lưu hành virus HPV tập trung vào hai mốc 35-39 tuổi và 45-49 tuổi. Trong khi đó, độ lưu hành HPV ở nam không suy giảm theo thời gian.

Nam giới có nguy cơ nhiễm và mắc bệnh do HPV cao hơn nữ giới - Ảnh 1.

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC tư vấn trực tuyến tại chương trình.

Ngoài ra, HPV có các đường lây đa dạng như qua quan hệ tình dục, từ mẹ qua con trong quá trình sinh nở, qua tiếp xúc với dịch tiết của người nhiễm bệnh. Hiện nay, độ tuổi quan hệ tình dục ngày càng sớm ở thanh thiếu niên cộng thêm việc tiếp xúc với chất tiết chứa virus cũng có thể là đường lây của HPV dẫn đến độ tuổi nhiễm HPV ở nam và nữ ngày càng trẻ hóa.

"Ở nữ giới, độ lưu hành của HPV là 50% thì ở nam giới xấp xỉ 70%. Quan niệm HPV chỉ gây ung thư cổ cung cũng gián tiếp khiến nhiều nam giới nghĩ HPV không liên quan đến mình. Nhưng thực tế, dựa vào con đường lây truyền, nguy cơ thải loại, mức lưu hành, HPV là một mối nguy hại với sức khỏe nam giới", bác sĩ Chính nhấn mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ gánh nặng bệnh tật do HPV gây ra, dự phòng lây nhiễm HPV là cách bảo vệ sớm, tiết kiệm chi phí điều trị ở cả hai giới.

Theo bác sĩ Mỹ Nhi, HPV có thể dự phòng cấp 1 bằng vaccine, áp dụng được ở cả hai giới. Vaccine hiện có thể tiêm cho hai giới từ 9-26 tuổi, không phân biệt đã quan hệ tình dục hay chưa và không cần xét nghiệm HPV trước khi tiêm ngừa.

Nam giới có nguy cơ nhiễm và mắc bệnh do HPV cao hơn nữ giới - Ảnh 2.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh

Còn ở nữ giới, bác sĩ Nhi cho biết có thể áp dụng biện pháp dự phòng cấp 2 là tầm soát, điều trị sớm các bệnh do HPV gây ra. Nếu được phát hiện sớm, ung thư cổ tử cung ở nữ có tỷ lệ cao điều trị khỏi.

Theo bác sĩ Nhi, tổn thương tiền ung thư có 3 mức độ: nhẹ, trung bình - loạn sản nhẹ và loạn sản nặng, đều có thể tầm soát, phát hiện sớm bằng các phương pháp tầm soát ở nữ giới.

Trước lo lắng về khả năng sinh sản sau khi nhiễm HPV và phát triển thành bệnh, bác sĩ Mỹ Nhi trấn an: "Tùy vào từng mức độ bệnh mà chức năng sinh sản của nữ giới có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm, điều trị tích cực, nữ giới vẫn có khả năng mang thai và làm mẹ".

Vì vậy, các chuyên gia đúc kết, bên cạnh tiêm phòng, việc tầm soát, thăm khám phụ khoa đều đặn giúp phòng ngừa các bệnh do HPV gây ra. Đồng thời, cả hai giới cần duy trình lối sống lành mạnh, tăng cường vận động, giữ vệ sinh cá nhân và quan hệ tình dục an toàn cũng giúp hạn chế việc lây và nhiễm HPV.

Hiện gần 140 trung tâm tiêm chủng VNVC đã có mặt tại gần 50 tỉnh thành trên cả nước, sẵn sàng hơn 40 loại vaccine, phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm ở cả trẻ em và người lớn. Tất cả vaccine đều được bảo quản an toàn, chất lượng trong hệ thống kho lạnh đạt chuẩn quốc tế (GSP) và dây chuyền lạnh (cold chain) khép kín cùng quy trình thực hành an toàn tiêm chủng nghiêm ngặt. Tiêm chủng tại VNVC, khách hàng sẽ được nhắc lịch qua tin nhắn hoặc tổng đài, tránh bỏ lỡ lịch tiêm và người dân dễ dàng tra cứu lại lịch sử tiêm chủng của mình trên Mobile App VNVC. VNVC thường xuyên có các chương trình ưu đãi và đang triển khai các gói vaccine trả góp không lãi suất từ 6-12 tháng, giúp người dân yên tâm phòng bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước