Vaccine phòng 9 chủng HPV nguy cơ cao được chỉ định tiêm cho cả nam giới và nữ giới, từ 9 tuổi đến dưới 27 tuổi. Nguồn: HRC
Đưa con gái 13 tuổi đến VNVC Nha Trang (Khánh Hòa ) tiêm vaccine HPV, chị Trần Thanh Thảo cho biết bà nội của bé từng bị ung thư cổ tử cung và qua đời. Chị được một người bạn giới thiệu nên cho bé tiêm vaccine HPV để phòng bệnh. Sau khi tìm hiểu và được bác sĩ tư vấn, chị mới biết vaccine HPV cũng được tiêm cho cả nam giới. "Từ trước đến nay, tôi nghĩ vaccine HPV chỉ dành cho nữ thôi và không nghĩ là ngoài ung thư cổ tử cung, vaccine còn phòng cả bệnh lý sinh dục và nhiều bệnh ung thư ở cả hai giới. Ít hôm nữa, tôi cũng sẽ cho con trai năm nay lên 10 tuổi tiêm luôn để phòng bệnh", chị Thảo chia sẻ.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết vaccine thế hệ mới phòng 9 chủng HPV nguy cơ cao gồm 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58, được chỉ định tiêm chủng cho cả nam và nữ giới từ 9-26 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều người chưa nắm thông tin này như trường hợp của chị Thảo. Chính vì vậy, vấn đề bảo vệ bé trai và nam giới bằng vaccine HPV vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
"Chúng tôi còn hay gọi vaccine HPV là vaccine bình đẳng giới vì có thể tiêm được cho nam, nữ và cả các bạn thuộc cộng đồng thuộc giới tính đặc biệt LGBT", bác sĩ Chính nhấn mạnh.
Virus HPV là nguyên nhân chính gây ra các loại ung thư có tỷ lệ mắc cao tại Việt Nam như ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo ở nữ; ung thư dương vật ở nam; bệnh sùi mào gà, ung thư hậu môn, ung thư vùng hầu họng ở cả nam và nữ.
Virus HPV có tỷ lệ lây nhiễm cao và thời gian ủ bệnh dài, có thể lên đến 20 năm. Hơn 80% người từng nhiễm HPV không biết mình nhiễm bệnh từ khi nào và do đâu vì các đường lây đa dạng và âm thầm như đường tình dục, từ mẹ sang con, qua tiếp xúc với vật chứa chất tiết mang virus từ người bệnh.
Theo BS Chính, ai cũng có thể lây nhiễm HPV, không phân biệt giới tính và độ tuổi. Trong đó, độ tuổi mắc các bệnh do HPV gây ra ngày càng trẻ hóa. Lý do được cho xuất phát từ độ tuổi bắt đầu quan hệ tình dục ngày càng nhỏ, hình thức quan hệ cũng đa dạng giữa các giới. Vaccine HPV có thể tiêm sớm cho trẻ từ 9 tuổi, trở thành cách phòng bệnh hiệu quả cho nhóm tuổi trước khi bước vào giai đoạn dậy thì và quan hệ tình dục lần đầu.
Ngoài ra, các nghiên cứu uớc tính nam giới có khả năng lây nhiễm và tái nhiễm cao hơn nữ giới. Khi đã nhiễm virus HPV, 91% nam giới có khả năng nhiễm virus HPV suốt đời dù chỉ có một bạn tình. Tỷ lệ tái phát mụn cóc sinh dục của nam giới cũng ở mức cao với 44% nam giới có ít nhất một lần tái phát mụn cóc sinh dục, 22% tái phát mụn cóc sinh dục ít nhất 2 lần. Tỷ lệ đào thải HPV ở nam cũng thấp hơn nữ giới 26%. Việc tiêm chủng HPV sẽ giúp nam giới giảm nguy cơ mắc bệnh và phòng ngừa tình trạng nhiễm HPV lâu dài.
Nhóm cộng đồng LGBT cũng thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm HPV. Theo CDC Mỹ năm 2020, mỗi năm nước này có hơn 14.000 nam giới mắc các loại ung thư do virus HPV gây ra, trong đó có khoảng 1.000 trường hợp ung thư dương vật, hơn 2.000 trường hợp ung thư hậu môn. Hơn 80% trường hợp ung thư hậu môn do virus HPV gây ra. Nguy cơ ung thư ở những người quan hệ tình dục đồng giới (cộng đồng MSM) cao gấp 17 lần so với những người quan hệ tình dục dị giới.
"Vì những nguy cơ bệnh tật do HPV gây ra ở mọi độ tuổi và tất cả các giới mà việc tiêm phòng trở thành biện pháp bảo vệ sớm, giảm thiểu chi phí điều trị", bác sĩ Chính nhấn mạnh.
Chương trình tư vấn trực tuyến diễn ra vào tối thứ 6 ngày 3/11.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), "mũi tiêm tốt nhất là mũi tiêm sớm nhất" và khuyến nghị tiêm vaccine ngừa HPV cho trẻ em 9-14 tuổi để đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, tiêm phòng sớm cho nhóm trẻ 9-14 tuổi vừa là cách bảo vệ sớm vừa giúp tiết kiệm chi phí tiêm chủng khi phác đồ tiêm ở độ tuổi này chỉ gồm 2 mũi, thay vì 3 mũi như độ tuổi từ 15-26 tuổi.
Bác sĩ Chính cũng cho biết thêm, vaccine HPV vẫn có giá trị phòng bệnh với nhóm đã quan hệ tình dục, người đã có gia đình, sinh con hoặc từng nhiễm HPV. "Có hơn 100 chủng virus HPV khác nhau. Vaccine hiện nay đã có thể phòng được 9 chủng HPV nguy cơ cao. Nhiễm 1 chủng HPV không thể loại trừ nguy cơ tái nhiễm hoặc nhiễm các chủng khác. Vì vậy, vaccine vẫn có giá trị bảo vệ, kể cả với người từng mắc các bệnh ung thư do HPV gây ra", bác sĩ Chính nhấn mạnh.
Để cập nhật các thông tin khoa học và giải đáp các thắc mắc về HPV, Đài truyền hình Việt Nam kết hợp cùng Trung tâm Tiêm chủng VNVC và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến chủ đề "Đúng - Sai về HPV và các bệnh lây nhiễm ở trẻ em và người lớn".
Chương trình sẽ phát sóng vào 20h thứ 6, ngày 3/11 trên fanpage VTV, VNVC, BVĐK Tâm Anh với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm và sản phụ khoa: BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC; BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.
Bạn đọc quan tâm có thể đặt câu hỏi tại đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!