Nạn nhân bị mua bán người trở về: Nói không lên tiếng, càng cố nói càng đau khổ

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 09/12/2020 10:24 GMT+7

VTV.vn - Tất cả các nạn nhân mua bán người khi trở về nước được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý.

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Thống kê cho thấy khoảng 90% nạn nhân trong các vụ mua bán người là người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em.

6 tháng đầu năm nay, gần 100 nạn nhân trong các vụ buôn bán người đã được giải cứu. Thế nhưng để xóa bỏ mặc cảm và có thể trở lại cuộc sống bình thường như trước đối với họ thực sự khó khăn.

Nhà Bình yên ở Hà Nội là nơi nhiều nạn nhân đã được đưa về từ hơn 10 năm nay. Họ ở đây trong một thời gian, hồi phục sức khỏe, tư vấn tâm lý, hỗ trợ tìm kiếm việc làm.

Nạn nhân bị mua bán người trở về: Nói không lên tiếng, càng cố nói càng đau khổ - Ảnh 1.

Sự động viên, chia sẻ từ chính bạn bè người thân mới quan trọng để các nạn nhân có thể hòa nhập lại với cuộc sống

Phụ nữ và trẻ em chiếm hơn 70% nạn nhân mua bán người và họ cũng là nhóm người bị ảnh hưởng tiêu cực nhất. Dù lực lượng chức năng tăng cường trấn áp nhưng tình trạng mua bán người vẫn phức tạp trên nhiều vùng miền.

Bộ Công an cũng đã và đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện công tác hỗ trợ tái hòa nhập cho nạn nhân bị mua bán trở về.

Ổn định tư tưởng bảo vệ quyền lợi, tái hòa nhập cộng đồng bền vững, tránh việc xử lý không nghiêm, nạn nhân lại trở thành đối tượng mua bán người.

Từ năm 2019 đến nay, tất cả các nạn nhân mua bán người khi trở về nước được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

Có những nạn nhân sau khi được trợ giúp đã trở thành những tuyên truyền viên, bằng chính câu chuyện cuộc đời mình để cảnh báo cho cộng đồng một cách thuyết phục nhất về thủ đoạn của các đối tượng tội phạm.

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ chính quyền thì sự động viên, chia sẻ từ chính bạn bè người thân mới quan trọng để họ có thể hòa nhập lại với cuộc sống, sống có ích cho xã hội. Việt Nam hiện đang nghiên cứu xây dựng chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 nhằm giảm nguy cơ mua bán người; giảm tội phạm mua bán người; tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả những nạn nhân của nạn mua bán người.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước