Một trong những nhiệm vụ quan trọng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra cho sự nghiệp văn hóa là "Đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ".
Tại hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: "Sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tuỳ tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hoá, ở cả trung ương và địa phương". Vì vậy, ngành văn hóa đang thay đổi phương thức để dần gỡ điểm nghẽn.
Để củng cố chuyên môn nghiệp vụ, các cán bộ văn hoá cơ sở chủ yếu phải tự học hỏi. Thực tế, có không ít người chưa từng được đào tạo chuyên môn bài bản, hoặc do luân chuyển từ những vị trí việc làm khác nên nghiệp vụ về quản lý văn hóa còn hạn chế.
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội là nơi đào tạo cán bộ văn hóa lớn nhất cả nước. Các ngành chuyên môn sâu như: Quản lý văn hóa, Văn hóa dân tộc, thông tin thư viện luôn được chú trọng. Mỗi mùa tuyển sinh, trường có thể tiếp nhận tới 27.000 nguyện vọng nhưng số hồ sơ đăng ký các ngành này lại chiếm một tỉ lệ rất nhỏ.
Để khắc phục tình trạng yếu kém về chuyên môn của đội ngũ đang công tác, ngành Văn hóa đã tổ chức các lớp huấn luyện quy mô toàn quốc cùng với đó, một số địa phương cũng xây dựng kế hoạch dài hơi với những chương trình cụ thể.
Cán bộ văn hóa cơ sở không chỉ chắc chuyên môn mà còn "lăn lộn" với phong trào. Bên cạnh đào tạo, phải có chính sách đãi ngộ tương xứng mới mong thu hút được người trẻ có năng lực, tâm huyết ngay từ đầu vào.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!