Nâng mức xử phạt vi phạm giao thông lên gấp 7-12 lần để tăng sức răn đe

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 13/12/2024 14:39 GMT+7

VTV.vn - Đề xuất trong dự thảo Nghị định về việc nâng mức xử phạt vi phạm giao thông lên gấp 7-12 lần là cần thiết, nhằm răn đe và nâng cao ý thức của người dân.

Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đang tham mưu xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Dự thảo Nghị định được đề xuất trong bối cảnh tình hình trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm giao thông vẫn còn phổ biến, đòi hỏi các biện pháp mạnh tay hơn để đảm bảo an toàn và giảm thiểu tai nạn giao thông. Đáng chú ý, dự thảo Nghị định dự kiến sẽ điều chỉnh tăng mức xử phạt rất mạnh, nhất là đối với một số nhóm hành vi liên quan đến vi phạm quy tắc giao thông trên đường cao tốc và một số nhóm hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.

"Việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm giao thông là điều cần thiết và phù hợp với sự phát triển của xã hội. Những thay đổi này không chỉ giúp răn đe mà còn tạo áp lực để người dân nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông. Thực tế, có những hành vi trước đây không tồn tại hoặc chỉ xảy ra ở mức độ cá biệt, nhưng hiện giờ lại trở nên phổ biến", luật sư Đinh Việt Thanh, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nhận định.

Nâng mức xử phạt vi phạm giao thông lên gấp 7-12 lần để tăng sức răn đe - Ảnh 1.

Luật sư Đinh Việt Thanh, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội chia sẻ quan điểm về việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm giao thông

Theo luật sư Đinh Việt Thanh, việc quy định rõ hơn về đối tượng bị xử phạt cũng rất cần thiết, vì không phải lúc nào người điều khiển phương tiện cũng là chủ sở hữu. Hiện nay, nhiều lái xe chỉ là người lao động, trong khi phương tiện thuộc quyền sở hữu của chủ xe. Do đó, cần bổ sung các quy định liên quan đến quan hệ lao động. Chủ phương tiện, đồng thời là người sử dụng lao động, cần chịu trách nhiệm đảm bảo rằng người họ tuyển dụng đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn để điều khiển phương tiện, đặc biệt là đối với các lái xe đường dài hoặc xe chở khách.

"Có những lái xe từng chia sẻ rằng họ phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, chỉ với một lon nước tăng lực và một ổ bánh mì, nhưng vẫn phải tiếp tục chạy xe để kịp giao hàng. Áp lực xuất phát từ yêu cầu của chủ phương tiện, lợi ích kinh tế đôi khi được đặt lên trên sự an toàn và sức khỏe của người lái xe. Vì vậy, trong những trường hợp như vậy, trách nhiệm không chỉ thuộc về người lái xe mà còn cần xử lý cả chủ phương tiện", luật sư Đinh Việt Thanh chia sẻ.

Thời gian qua, hiện tượng học sinh hoặc trẻ trong độ tuổi học sinh điều khiển phương tiện gây tai nạn cho bản thân hoặc người khác ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là hành vi sử dụng phương tiện vào các hoạt động tụ tập đua xe lạng lách, đánh võng. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, dự thảo Nghị định mới quy định hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi sẽ tăng mức phạt. Cụ thể, nếu giao xe ô tô cho người chưa đủ tuổi điều khiển thì đề xuất tăng từ tăng lên 28 đến 30 triệu đồng. Đối với xe máy, dự kiến sẽ mức phạt mới sẽ từ 8 đến 10 triệu đồng. Như vậy, mức phạt có thể tăng từ 5 lần đến hàng chục lần.

Nâng mức xử phạt vi phạm giao thông lên gấp 7-12 lần để tăng sức răn đe - Ảnh 2.

Nhiều cha mẹ giao xe máy cho con khi con chưa có bằng lái, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện

Theo chuyên gia tội phạm học Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, tâm lý của lứa tuổi thanh thiếu niên rất nhạy cảm. Chỉ cần vài lời tâng bốc, họ sẽ thực hiện ngay những hành động nguy hiểm đến nhiều người, trong khi đó gia đình lại thiếu quan tâm và nuông chiều.

"Nếu cha mẹ giao xe cho con dù con chưa có bằng lái hoặc đã sử dụng chất kích thích, và con sử dụng xe để đua dẫn đến gây chết người, cha mẹ có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015", TS.Đào Trung Hiếu cho biết.

Nâng mức xử phạt vi phạm giao thông lên gấp 7-12 lần để tăng sức răn đe - Ảnh 3.

Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia Tội phạm học chia sẻ về tâm lý của lứa tuổi thanh thiếu niên

"Việc xử phạt chỉ là một biện pháp nhằm răn đe, như một cây roi đánh đau, nhưng để hiểu sâu về hành vi vi phạm, nhận thức rõ các lỗi sai và ngăn chặn tình trạng tái diễn, cần phải tăng cường các giải pháp. Do đó, công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật cần được thực hiện một cách toàn diện hơn, đồng thời phải gắn liền với trách nhiệm của từng cá nhân và tổ chức", luật sư Đinh Việt Thanh nhấn mạnh.

Dù thời gian qua đã triển khai nhiều biện pháp, tình hình vi phạm giao thông trên thực tế vẫn diễn biến phức tạp. Theo thống kê, trong 11 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra gần 21.700 vụ tai nạn giao thông, tăng cả về số vụ và số người bị thương so với cùng kỳ năm trước. Do đó, đề xuất trong dự thảo Nghị định về việc nâng mức xử phạt vi phạm giao thông lên gấp 7–12 lần nhận được sự đồng tình từ nhiều người dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần có sự đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện trước khi thực hiện.

"Cần phải đánh giá lại tác động hoặc xem xét các trường hợp đặc biệt, chẳng hạn trong trường hợp con không có bố mẹ mà chỉ có người giám hộ, người giám hộ là ông bà đã hết tuổi lao động. Trong tình huống này, trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Tuy nhiên, nếu không áp dụng mức xử phạt đủ mạnh để răn đe, việc điều chỉnh hành vi trong xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, việc xét xử hành vi vi phạm là cần thiết, nhưng cũng nên xem xét thêm các khía cạnh xã hội, cân nhắc từng hành vi cụ thể và mức độ vi phạm để có cách xử lý phù hợp và công bằng", luật sư Đinh Việt Thanh bày tỏ.

Nâng mức xử phạt vi phạm giao thông lên gấp 7-12 lần để tăng sức răn đe - Ảnh 4.

Phiên tòa giả định được Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Tòa án tối cao tổ chức với chủ đề: "Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông"

Luật sư Đinh Việt Thanh cho rằng, với lợi thế từ hệ thống định danh cá nhân, việc tích điểm vi phạm trở nên khả thi và hiệu quả hơn. Định danh cá nhân giúp quản lý thông tin của mỗi người từ lúc sinh ra, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích lũy điểm vi phạm và áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp. Chẳng hạn, lao động công ích tại địa phương không chỉ mang tính răn đe mà còn có tác động giáo dục tốt hơn. Nếu chỉ phạt tiền, chỉ tác động đến cá nhân người vi phạm, nhưng khi lao động công ích, cả địa phương sẽ nhận thức được hành vi sai trái.

Mỗi năm, cả nước ghi nhận sự gia tăng gần 500.000 ô tô và hơn 2.000.000 xe máy, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế, dẫn đến tình trạng vi phạm giao thông phổ biến và số vụ tai nạn ở mức cao. Trung bình mỗi ngày, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của 30 người và khiến chừng ấy người bị thương. Việc áp dụng các chế tài hành chính nghiêm khắc là một giải pháp cần thiết nhằm giảm thiểu tình trạng này. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, cần có sự nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng và toàn diện trước khi triển khai, đồng thời kết hợp với nhiều giải pháp đồng bộ khác. Dù vậy, các mức xử phạt đủ sức răn đe vẫn là yếu tố không thể thiếu để thiết lập lại trật tự giao thông, một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sự an toàn và sinh mạng của tất cả mọi người.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước