Nắng nóng mùa hè 2021 có gay gắt như năm 2020?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 08/05/2021 18:03 GMT+7

VTV.vn - Dự báo, các đợt nắng nóng ở Bắc Bộ sẽ tập trung từ nay cho đến hết tháng 7, trong đó đỉnh điểm của nắng nóng sẽ xuất hiện trong tháng 6 và tháng 7.

Đến thời điểm này, thời tiết ở miền Bắc và miền Trung đỡ nóng hơn so với 2 năm gần đây. Mùa nóng bắt đầu từ cuối tháng 3, đầu tháng 4. Từ đó đến nay đã có khoảng 3 đợt nắng nóng nhưng phạm vi vẫn chỉ cục bộ, chưa xuất hiện trên diện rộng.

Bước sang tháng 5, số ngày nắng nóng dự báo sẽ xuất hiện nhiều hơn và diện nóng cũng bao phủ rộng hơn. Đợt nắng nóng tới đây sẽ xuất hiện từ ngày 10/5 trên phạm vi rộng từ miền Bắc đến Quảng Ngãi. Trong ngày đầu tiên, nắng nóng sẽ tập trung ở khu vực Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và vùng núi Thanh Hóa - Quảng ngãi, nhiệt độ cao nhất từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ.

Từ ngày 11/5, nắng nóng mở rộng ra toàn bộ miền Bắc và Thanh Hóa - Quảng Ngãi, cường độ nắng nóng gia tăng. Nền nhiệt tăng lên 35-38 độ, có nơi trên 39 độ. Đợt nóng này dự báo sẽ kéo dài ít nhất là đến ngày 16/5.

Các chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định, từ nay trở đi, trời sẽ nóng hơn, số ngày nắng nóng có xu hướng xuất hiện nhiều hơn tại khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ nhưng nắng nóng năm nay sẽ không gay gắt và kéo dài như năm 2020.

Dự báo, các đợt nắng nóng ở Bắc Bộ sẽ tập trung từ nay cho đến hết tháng 7 rồi giảm dần trong tháng 8, trong đó đỉnh điểm của nắng nóng sẽ xuất hiện trong tháng 6 và tháng 7. Còn ở Bắc và Trung Trung Bộ sẽ kéo dài đến hết tháng 8. Dù các đợt nắng nóng dự báo không kéo dài tới cả tháng như năm ngoái tuy nhiên trong cao điểm mùa nóng, một vài nơi vẫn có điểm nhiệt trên 40 độ.

Nắng nóng mùa hè 2021 có gay gắt như năm 2020? - Ảnh 1.

Nắng nóng nguy hiểm tới sức khỏe

Trong mọi điều kiện của thời tiết thì cơ thể con người luôn cố gắng điều chỉnh thân nhiệt để thích ứng. Tuy nhiên khi thời tiết quá nóng sẽ gây ra những tác động không tốt đến cơ thể. Cơ thể chúng ta vốn tự làm mát bằng cách đổ mồ hôi tuy nhiên trong những ngày nắng nóng, ẩm cao, nếu hoạt động lâu ở ngoài trời, mồ hôi sẽ không thể bốc hơi nhanh, cản trở quá trình phát tán nhiệt của cơ thể. Khi đó, chúng ta sẽ gặp vô số các vấn đề nguy hiểm:

- Say nắng. Biểu hiện là mặt đỏ, nhức đầu, vã mồ hôi, hoa mắt, chóng mặt, thậm chí là nôn.

- Kiệt sức: Đây là phản ứng khi cơ thể bị mất lượng nước lớn và muối khoáng vì đổ mồ hôi quá nhiều. Ngoài các biểu hiện như say nắng thì cơ thể của người bị kiệt sức còn mệt lả đi, da xanh, tái nhợt, tim đập nhanh, yếu, thở nhanh, yếu cơ, chuột rút.

Nắng nóng mùa hè 2021 có gay gắt như năm 2020? - Ảnh 2.

- Đột quỵ. Nắng nóng khiến thân nhiệt tăng, đồng thời kích thích làm tăng huyết áp nên gia tăng nguy cơ đột quỵ. Biểu hiện là người bệnh đột ngột mất ý thức, không đi lại được, không nói được.

Để đảm bảo sức khỏe và ngăn ngừa các bệnh liên quan đến nắng nóng, trong những ngày nhiệt độ lên cao các chuyên gia có một số lưu ý sau:

Nắng nóng mùa hè 2021 có gay gắt như năm 2020? - Ảnh 3.

- Uống nhiều nước hơn, bất kể là bạn hoạt động nhiều hay ít. Đừng đợi đến khi khát mới uống.

- Hạn chế đồ uống có chứa cồn hoặc có lượng đường lớn.

- Hạn chế ra ngoài đường những lúc trời nóng.

- Mặc quần áo nhẹ, sáng màu và rộng rãi.

Hãy chú ý đến những người dễ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng như trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Những người từ 65 tuổi trở lên. Những người có các vấn đề về tim mạch và bị khó thở.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước