Né chốt kiểu mới, khủng bố đòi nợ qua app cho vay: IQ vô cực là đây?

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 04/07/2020 14:16 GMT+7

VTV.vn - Trước giờ chúng ta vẫn tin rằng chỉ số IQ có thể thay đổi nhờ vào luyện tập. Nhưng chắc rằng phải có một mối liên hệ nào đó nữa giữa IQ và mục đích của người sở hữu.

Nếu hỏi cái gì vô hạn thì đó chính là trí tuệ của loài người. Từ những năm 1930 đến nay, rất nhiều người - đặc biệt là những ai thích xem phim Holywood - vẫn tin vào giả thuyết con người mới chỉ xài đến 10% não bộ. Chí ít thì điều đó đem lại niềm tin là chúng ta sẽ còn tiếp tục thông minh hơn. Nhưng thông minh theo cách nào thì lại là chuyện khác.

Né chốt kiểu mới, khủng bố đòi nợ qua app cho vay: IQ vô cực là đây? - Ảnh 1.

"Tẩy chay" khẩu trang theo kiểu Mỹ, vận dụng IQ vô cực "né chốt" theo kiểu Việt Nam

Khi sống ở Việt Nam sẽ ít người hình dung được chính xác COVID-19 trên thế giới vẫn đang tệ đến thế nào khi đã có hơn 11 triệu người bị nhiễm và hơn 500.000 người đã tử vong. Nước Mỹ chiếm tới 1/4 trong số đó.

Thế nhưng, giống như các "bữa tiệc" dịch bệnh của một nhóm sinh viên ở bang Alabama (Mỹ), một số người Mỹ vẫn áp dụng tư tưởng "My body, my choice" (Cơ thể tôi, lựa chọn của tôi) ngay trong hoàn cảnh đại dịch. Họ vận dụng khả năng tư duy, sáng tạo của mình cho những lập luận để không phải đeo khẩu trang.

- "Tôi không thở được, Tôi không thở được"

- "Tôi không đeo khẩu trang, cũng cùng lý do tôi không mặc đồ lót. Mọi thứ đều cần được thở chứ".

- "Chúng ta được tạo với một hệ hô hấp hoàn hảo. Thở thì mới có sự sống. Tại sao các ông lại có quyền ngăn chúng tôi thở một cách bình thường chứ?".

- "Phần nhiều trong khi chúng ta giao tiếp, chúng ta dùng ngôn ngữ cơ thể, bao gồm cả biểu cảm khuôn mặt. Đeo khẩu trang thì sao mà biết được".

- "Đeo khẩu trang mới khiến bạn ốm ấy".

Đó là những lý do mà nhiều người đưa ra để không phải đeo khẩu trang khiến chúng ta bật cười.

Thế mới thấy trong điều kiện bất thường dễ lộ ra cách tư duy của mỗi người khác nhau như thế nào.

Một ví dụ khác, trong tuần qua, ngành du lịch Hàn Quốc có kiến nghị Việt Nam nên bỏ quy định cách ly tập trung 14 ngày để khôi phục du lịch hai bên. Tuy nhiên, khi khảo sát nhanh trên Fanpage Trung tâm Tin tức VTV24 với khoảng 350.000 lượt tham gia, có tới 96% không đồng tình. Điều này là dễ hiểu khi mới có một trường hợp người Indonesia ở Bình Dương suýt nữa tưởng mắc COVID-19 đủ làm nhiều người thấp thỏm.

Hay như câu chuyện của một nam thanh niên tại TP.HCM khi không rút được tiền và thẻ bị kẹt trong máy ATM. Anh này đã chạy một mạch về nhà lấy một cây búa để đập nát cây ATM, đòi lại thẻ và tiền.

Né chốt kiểu mới, khủng bố đòi nợ qua app cho vay: IQ vô cực là đây? - Ảnh 2.

Trường hợp này, chiếu theo ngôn ngữ mạng xã hội, sẽ thường được gọi là "IQ vô cực" - phiếm chỉ những nước đi không ai ngờ tới. Và khi nhắc đến IQ thì đa số chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những câu đánh đố.

Bạn hiểu sao khi nhìn vào một dãy phương trình hóa học kiểu như Na2SO3 phản ứng thế nào với HCl, HNO3 hay KMnO4? Đáp án đưa ra đây là những phản ứng mang tính "Trung Hòa" - cũng là ám chỉ một địa danh tại Hà Nội.

Hay những dãy số được đưa ra để đối chiếu bên dưới là hình ảnh bàn phím điện thoại cho đáp án là "Xuân Thủy" - một địa điểm người "ra đề" muốn nhắc tới. Quen thuộc hơn là tư duy theo trò Đuổi hình bắt chữ. Với 4 hình ảnh: địa cầu, vượt qua, hoa mai, đại dịch, đáp án sẽ là "cầu vượt Mai Dịch".

Né chốt kiểu mới, khủng bố đòi nợ qua app cho vay: IQ vô cực là đây? - Ảnh 3.

Đây là những chiêu trò của một số Facebooker trên các diễn đàn nhằm liên tục thông báo cho nhau né tránh các chốt cảnh sát giao thông. Vừa qua, một nam thanh niên ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã bị xử phạt 15 triệu đồng vì hành vi đăng tải nhiều bài viết có nội dung chỉ điểm như thế này.

Tồn tại mối liên hệ nào giữa IQ và mục đích của con người?

Trước giờ chúng ta vẫn tin rằng chỉ số IQ có thể thay đổi nhờ vào luyện tập. Nhưng chắc rằng phải có một mối liên hệ nào đó nữa giữa IQ và mục đích của người sở hữu.

Chắc hẳn đa số chúng ta đều rất ngại chuyện cho vay rồi lại phải đi đòi nợ. Vì có thể phải đau đầu tính cách mà chưa chắc đã đòi lại được. Nhưng tín dụng đen thì khác. Họ tự tìm được cho mình những phương pháp riêng để biến một việc khó khăn trở thành tiền, rất nhiều tiền, như việc đòi nợ qua app cho vay.

Các ứng dụng vay tiền yêu cầu người vay đồng ý cho truy cập danh bạ trên điện thoại di động. Điều này khiến những người trong danh bạ, mặc dù không liên quan, không vay tiền nhưng cũng bị bên cho vay đe dọa.

Né chốt kiểu mới, khủng bố đòi nợ qua app cho vay: IQ vô cực là đây? - Ảnh 4.

Nếu chậm trả tiền lãi vài ngày, người vay tiền qua app sẽ thường xuyên nhận được những lời đe dọa và sẽ có hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày nếu người vay không nghe máy. Tiếp đến là những cách khủng bố tinh thần khác khủng khiếp hơn.

"Gọi danh bạ không được họ sẽ ghép ảnh tôi với những hình gái mại dâm sau đó ghi dòng chữ là nhận đi khách hay bán dâm để đưa lên các web sex" - một người vay tiền qua app tiết lộ.

Vay qua app rất đơn giản. Chỉ vài thao tác trên điện thoại cung cấp thông tin cá nhân, sau khoảng 10 phút, bên cho vay sẽ tự động chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của người vay. Thủ tục nhanh gọn nên rất nhiều người dân bị dính bẫy. Với đủ chiêu trò mà nhóm cho vay bày ra như: phí dịch vụ, phí phạt nộp chậm, tiền lãi sẽ lên đến gần 1.000%/năm.

Áp lực từ việc sợ bị đe dọa, bị bôi nhọ danh dự, người vay thường sẽ chọn ngay phương án vay thêm app để kéo dài thời gian xoay sở. Thế nhưng, họ không biết rằng thực tế các app đã liên thông thông tin với nhau khiến người vay đã bị cuốn vào cái bẫy lúc nào không hay.

Vận dụng IQ như thế nào mới là khôn ngoan?

Một xã hội khôn ngoan thì tốt hay từng người khôn ngoan theo ý riêng, mặc kệ xã hội ra sao thì tốt? Mức độ văn minh của xã hội sẽ cho câu trả lời khác nhau. Chúng ta thường chỉ mới biết đến IQ và EQ, cố gắng phát triển những chỉ số đó để đạt thành công trong cuộc sống. Nhưng hãy tìm hiểu thêm về một chỉ số quan trọng nữa là MQ, tạm dịch là “chỉ số đạo đức”.

Né chốt kiểu mới, khủng bố đòi nợ qua app cho vay: IQ vô cực là đây? - Ảnh 5.

Cùng tới thăm Bỉ để hiểu thế nào là MQ qua câu chuyện “câu nam châm”.

Một nam châm mạnh gắn vào đầu sợi dây chắc chắn, đủ dài. Mỗi nam châm chỉ kéo được vật nặng khoảng 300kg. Những người đi câu phải biết phán đoán và khéo léo phối hợp với nhau. Lúc đầu, họ tò mò tìm vớt đồ dưới giếng vì giếng nước thường là nơi cất giấu đồ trong thời chiến tranh. Nhưng bây giờ, sân chơi của “thợ câu bằng nam châm” thường là mặt nước gần các cây cầu.

“Dưới chân cầu các khu phố lắm tệ nạn là nơi dễ tìm được những thứ hay. Gần nhà máy hoặc những nơi ô tô có thể dừng cũng có nhiều thứ. Đó là nơi người ta tiện thủ tiêu đồ. Chúng tôi phải đoán xem kẻ cắp nghĩ gì, vứt tang vật ở đâu, rồi tới đó tìm” - một thành viên nhóm câu nam châm Benelux chia sẻ.

Với những thứ đa phần là vô giá trị vớt được dưới lòng nước như rác kim loại, nhóm câu nam châm sẽ báo cho công ty vệ sinh môi trường đô thị tới thu gom. Đôi khi, những “thợ câu bằng nam châm” này cũng được cảnh sát nhờ tìm vũ khí hay tang vật nghi là bị ném xuống sông.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước