Từ hơn chục năm nay, dự án bỏ hoang rộng 12ha trở thành bãi đổ phế liệu xây dựng tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Mỗi ngày, hàng loạt chuyến xe đổ trộm ra vào nơi đây.
Rác nhiều quá thì đốt. Trước Tết, một vụ cháy lớn đã xảy ra khiến lực lượng chữa cháy mất nhiều giờ mới có thể khống chế. Những người sống gần bãi rác chỉ còn cách đóng chặt cửa và lo ngại cho sức khỏe của cả gia đình.
''Rác chất đống như nhà mấy tầng. Không dám mở cửa ra vì bụi và khói khét. Quần áo thì không dám phơi'', chị Trần Thị Thùy, người dân quận Hoàng Mai cho biết.
Để ngăn chặn nạn đổ trộm, chính quyền đã chặn toàn bộ lối vào bãi rác bằng tôn thép, bê tông đồng thời phối hợp với các địa bàn giáp ranh để xử lý vi phạm.
Ông Nguyễn Sỹ Phong, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Kim, quận Hoàng Mai cho biết: ''Chỉ đạo lực lượng công an phường tuần tra, khi có đối tượng phá rào sẽ xử lý hình sự. Công an đã xử lý được một trường hợp đổ trộm lúc nửa đêm với số tiền là 12,5 triệu đồng''.
Là địa bàn nóng về đổ trạc thải ven đê sông Hồng, quận Tây Hồ có giải pháp mạnh tay hơn là vừa ngăn chặn đổ trộm, vừa dọn dẹp vệ sinh môi trường. Chỉ tính riêng trên địa bàn phường Tứ Liên có tới 3 điểm đổ thải được bốc xúc. Lực lượng công an phối hợp với tổ dân phố, tổ chức chốt trực thường xuyên tại các vị trí trọng điểm.
Hiện nay, các công ty môi trường chỉ chịu trách nhiệm thu gom rác thải sinh hoạt chứ không thu gom rác thải xây dựng. Với 4.000 tấn chất thải rắn xây dựng mỗi ngày, Hà Nội sẽ tiếp tục có nguy cơ xuất hiện thêm nhiều điểm đổ trộm khác. Cuối tháng 2 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện điều tra, xử lý dứt điểm việc đổ, đốt trộm chất thải rắn đồng thời tiến hành dọn sạch các bãi rác tự phát, đảm bảo vệ sinh môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!