Miền Bắc đang bước vào đỉnh dịch cúm A
Thời điểm này các bệnh về cúm đang vào giai đoạn dễ lây lan nhanh. Còn trên thế giới bệnh về đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A/H5N1, COVID-19 tăng tại nhiều quốc gia, trong đó là các quốc gia ASEAN. Nhiều lo ngại về sự lây lan của nhiều loại virus, vì sự kết hợp của COVID 19, cúm mùa và các mầm bệnh đường hô hấp khác có thể gây ra các đợt bùng phát rộng hơn, cuối cùng làm căng thẳng các hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Tại Việt Nam, dịch cúm trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại các địa phương. Bên cạnh đó, thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Bộ Y tế đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng chống cúm gia cầm lây sang người.
Miền Bắc đang bước vào đỉnh dịch cúm A với số ca mắc tăng cao, nhất là trẻ em. Bộ Y tế đang tập trung các giải pháp ngăn dịch bệnh bùng phát trong mùa đông - xuân này, cùng với đó là sẵn sàng các giải pháp chủ động ứng phó nếu COVID-19 quay trở lại.
Một bé trai 14 tháng tuổi được chuyển vào bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng viêm phổi sau 2 tuần điều trị cúm A tại bệnh viện tỉnh mà vẫn sốt cao. Xét nghiệm còn cho kết quả bội nhiễm cả vi khuẩn phế cầu. Trẻ nhỏ chưa đi học như thế này phần lớn lây từ người thân.
Miền Bắc đang bước vào đỉnh dịch cúm A với số ca mắc tăng cao, nhất là trẻ em
Còn một bé 8 tháng tuổi, vốn bị thuyên tắc động mạch phổi bẩm sinh nên khi nhiễm cúm, bệnh càng tăng nặng. Nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, phải thở máy. Đây là tình trạng phổ biến với những trẻ có bệnh nền. Còn phần lớn trẻ đang điều trị cúm tại đây bị biến chứng viêm phổi, phải thở oxy. Ngoài ra, một số bị viêm tai giữa, thậm chí viêm màng não, viêm cơ tim.
Dấu hiệu cảnh báo lúc đầu của cúm là sốt, nhức đầu, đau người, chảy nước mũi, ho, hắt hơi… Bác sỹ khuyến cáo, khi trẻ có biểu hiện nặng, như thở khò khè, khó thở, co giật cần đưa ngay đến cơ sở y tế. Và đặc biệt lưu ý là không tự ý điều trị bằng kháng sinh hoặc thuốc kháng virus.
Dịch cúm năm nay không diễn biến bất thường như năm ngoái nhưng vẫn nên cẩn trọng phòng bệnh cho trẻ nhỏ và trong chăm sóc trẻ khi mắc cúm để tránh biến chứng. Tốt nhất vẫn là tiêm vaccine phòng cúm mùa mỗi năm 1 lần khi sức khỏe bình thường.
Cúm mùa - bệnh hô hấp đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em
Thế giới ghi nhận sự gia tăng rõ rệt số người mắc các rối loạn miễn dịch sau COVID-19. Theo Bộ Y tế, kể từ sau đại dịch COVID-19, các nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc các bệnh lý tự miễn tăng lên từ 20-50% sau khi nhiễm virus trong khi nguồn dữ liệu về phương pháp điều trị còn hạn chế.
Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh 27/12 với chủ đề: Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh" sẽ có nội dung cập nhật hướng dẫn quốc gia về giám sát trọng điểm lồng ghép COVID-19, cúm và các tác nhân đường hô hấp.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), ba nhóm người có nguy cơ cao bị các biến chứng của cúm mùa gồm trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh nền mạn tính.
Cúm mùa là một bệnh hô hấp đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm có 28.000 - 111.500 trường hợp trẻ em tử vong có liên quan đến cúm mùa trên toàn cầu.
Còn với người cao tuổi, sau nhiễm cúm, người cao tuổi có thể tăng gấp 8 lần nguy cơ đột quỵ, gấp 10 lần nguy cơ nhồi máu cơ tim. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là, đồng thời cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là PGS. TS. Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!