Ngày Quốc tế Người di cư: Tiếng nói của người di cư trong đại dịch COVID-19

Tạ Hiển-Thứ năm, ngày 17/12/2020 17:16 GMT+7

Các đại biểu chụp ảnh Hưởng ứng Ngày Quốc tế Người di cư

VTV.vn - Ngày Quốc tế Người di cư được tổ chức vào ngày 18/12 hàng năm nhằm ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của người di cư trên toàn thế giới.

Ngày 17/12 đã diễn ra Lễ Mít-tinh Ngày Quốc tế Người di cư với chủ đề "Tiếng nói của Người di cư trong đại dịch COVID-19" để lắng nghe tiếng nói, những câu chuyện ý nghĩa, những trải nghiệm và mong đợi của người di cư về hành trình của họ trong đại dịch COVID-19 đang diễn ra trên toàn cầu.

Sự kiện do Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Việt Nam phối hợp với Tổng Cục dân số Kế hoạch hóa gia đình (GOPFP), Bộ Y tế tổ chức nhằm kêu gọi các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, các bên có liên quan và người di cư cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ và bảo vệ người di cư.

Chủ đề Ngày Quốc tế Người di cư năm nay là "Reimagining Migration", tạm dich là "Định hình lại Bức tranh di cư toàn cầu". Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, một loạt các yếu tố sẽ ảnh hưởng đến các đặc điểm và quy mô di cư toàn cầu.

Sự lây lan của đại dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Người di cư ở nước ngoài dễ bị tổn thương bởi tác động của COVID-19 hơn những người không di cư vì các yếu tố cá nhân, môi trường xã hội. Người di cư không chỉ đối mặt với nguy cơ mất việc làm, mất thu nhập mà còn có thể bị kỳ thị. Quan trọng hơn hết, người di cư cũng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm COVID-19 như người dân của các nước sở tại. Tuy nhiên, rào cản văn hóa - ngôn ngữ và tình trạng kinh tế xã hội có thể hạn chế họ tiếp cận với các thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách nhanh chóng, chính xác và an toàn.

Ngày Quốc tế Di cư được coi là cơ hội để ghi nhận những đóng góp của hàng triệu người di cư đối với nền kinh tế của nước sở tại và cho quê hương của họ.

Ngày Quốc tế Người di cư: Tiếng nói của người di cư trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Bà Park Mihyung - Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam

Chia sẻ tại lễ mít-tinh, bà Park Mihyung - Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng những đóng góp của người di cư đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19: "Chúng ta phụ thuộc vào người di cư nhiều hơn chúng ta tưởng. Chính người di cư là lực lượng lao động thiết yếu ở mỗi quốc gia. Ở quê hương tôi, những người di cư, trong đó có rất nhiều người đến từ Việt Nam, đã làm ra nhu yếu phẩm, xây những ngôi nhà chúng tôi ở, và sản xuất, vận chuyển thực phẩm để chúng tôi có được bữa cơm bên gia đình. Cũng những lao động ấy chăm sóc khi chúng tôi ốm, ngay cả khi nhiễm COVID-19, và chăm sóc những đứa trẻ, người già trong gia đình chúng ta".

Trong 20 năm qua, số lượng di cư toàn cầu đã tăng từ 150 triệu lên 272 triệu, theo báo cáo của IOM.

Theo Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, di cư nội địa trong 5 năm qua của nước ta là hơn 7% dân số. Báo cáo của Bộ Ngoại giao năm 2016 cho thấy số lượt người Việt Nam di cư quốc tế là khoảng hơn 10 triệu lượt người. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 65,4 triệu người trong độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi), chiếm 68,0% tổng dân số. Dân số trong độ tuổi lao động lớn, mang đến nhiều lợi thế cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng cũng chắc chắn tác động rất lớn đến các dòng di cư tại Việt Nam. Theo DOLAB, năm 2019 Việt Nam đã gửi 152,530 công nhân làm việc ở nước ngoài.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã chỉ đạo cần quan tâm, đầu tư hơn nữa đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương trong đó có người di cư. Một số chương trình, dự án đã được thực hiện nhằm hỗ trợ người di cư. Cho đến nay, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới bước đầu thành công trong kiểm soát đại dịch COVID-19 nhưng những khó khăn, thách thức của đại dịch vẫn hiển hiện và tiềm ẩn những nguy cơ nhất định.

Ngày Quốc tế Người di cư: Tiếng nói của người di cư trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Ông Đặng Văn Nghị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) phát biểu khai mạc lễ mít tinh.

Phát biểu tại Lễ mít-tinh, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế nhấn mạnh: "Nhân ngày Quốc tế Người di cư, chúng ta cùng nhau có mặt tại đây ngày hôm nay nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc, cùng nhau chung tay chia sẻ, hỗ trợ và bảo vệ người di cư, thực hiện tốt việc phòng chống và đẩy lùi đại dịch COVID-19 vì những hành trình khỏe mạnh, an toàn, vì hạnh phúc của mỗi người di cư, của gia đình họ và của cả cộng đồng".

Trong khuôn khổ sự kiện cũng đã diễn ra Tọa đàm "Tiếng nói Người di cư trong đại dịch COVID-19" với sự tham gia của các bộ ngành cũng như những người di cư tại Việt Nam.

Ngày Quốc tế Người di cư: Tiếng nói của người di cư trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Tọa đàm "Tiếng nói Người di cư trong đại dịch COVID-19"

Năm 2000, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết chọn ngày 18/12 là Ngày Quốc tế Người Di cư trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm đến sự tôn trọng, bảo vệ toàn diện và hiệu quả các quyền cơ bản của người di cư. Trước đó, vào ngày 18 tháng 12 năm 1990, Liên Hợp Quốc đã thông qua Công ước Quốc tế về Bảo vệ Quyền của người lao động di cư và thành viên gia đình họ. Năm 1997, các tổ chức di cư của Philippines và các nước châu Á bắt đầu tưởng niệm ngày 18/12 như một Ngày Quốc tế Đoàn kết của người di cư.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước