Đà Nẵng thí điểm đóng mới tàu sắt cho ngư dân. (Ảnh: VOV)
Sáng 25/11, tại tỉnh Bình Định, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và phương hướng thực hiện Nghị định số 89 sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Nghị định 67 có hiệu lực từ ngày 25/11. Hội nghị có sự tham gia của đại diện 28 tỉnh, thành ven biển.
Theo báo cáo của Bộ Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, sau hơn 1 năm triển khai Nghị định 67 của Chính phủ, đã có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới tàu cá với 952 tàu đóng mới và 155 tàu nâng cấp, số tiền giải ngân là 843 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chỉ có 52 tàu cá đóng mới và nâng cấp hạ thủy đi vào hoạt động. Các đại biểu cho rằng, Nghị định 67 ra đời đã đáp ứng được nguyện vọng của ngư dân, hiện đại hóa tàu cá. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Nghị định này vẫn còn tồn tại một số bất cập .
Cũng trong sáng 25/11, hội nghị đã phổ biến các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị định 89 sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Nghị định 67 về "Một số chính sách phát triển thủy sản". Nghị định sửa đổi này được cho là có nhiều điểm mới và phù hợp với tình hình hiện nay. Theo đó, trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu, thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất là 11 năm và 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới. Năm đầu tiên sau khi giải ngân, chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc. Nghị định 89 cũng tạo thuận lợi hơn cho ngư dân như: được hỗ trợ 100% chi phí thiết kế tàu vỏ thép, vật liệu mới có công suất từ 400CV trở lên. Theo Nghị định 67, ngư dân không được hưởng những ưu đãi này .
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.