Hiện nay, có khá nhiều người doanh nhân, nghệ sĩ, người nổi tiếng mời nhà văn, nhà báo hợp tác viết tự truyện, hồi ký.
Người viết sách tự truyện, hồi ký về cuộc đời của người khác thường được gọi là "người chấp bút" thế nhưng quy định pháp luật lại không có khái niệm này, mà chỉ có quy định "tác giả" và "chủ sở hữu quyền tác giả". Vì vậy, đã có những cách hiểu khác nhau, thậm chí gây tranh cãi xung quanh vấn đề này.
Anh Nhã, có hơn 15 năm gắn bó với nghề báo. Nhận lời mời hợp tác thực hiện cuốn tự truyện cho nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương, anh Nhã dành 1 năm đồng hành, theo chân nhân vật chính đi nhiều nơi; gặp gỡ phỏng vấn nhiều người liên quan. Thế nhưng mới đây khi cuốn sách được ra mắt sách, anh rất bất ngờ khi trên bìa sách để tên "tác giả: Hà Chương, chấp bút: Thanh Nhã".
Đại diện đơn vị xuất bản, công ty First New cho biết, nhiều năm nay, các hợp đồng thực hiện các dự án sách hợp tác với các tác giả thường ghi tên người chấp bút theo cách này. Chất liệu chính của sách là do nhân vật kể lại câu chuyện về cuộc đời mình nên nhân vật là tác giả hoặc đồng tác giả với người chấp bút.
Theo các chuyên gia pháp lý, Luật Sở hữu trí tuệ quy định, tác giả sáng tạo ra tác phẩm là người có quyền đứng tên trên tác phẩm. Quyền này không thể chuyển giao cho người khác, dù các bên có thỏa thuận. Thế nhưng nhiều người vẫn nhầm lẫn người chia sẻ câu chuyện chính là tác giả.
Đơn vị xuất bản hay là bên thuê viết sách có "quyền tài sản", khai thác thương mại đối với tác phẩm nhưng quyền đứng tên luôn thuộc về tác giả - người thực hiện, viết cuốn sách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!