Thừa Thiên - Huế đón giao thừa trong mưa xuân
Năm nay, ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến nhiều hoạt động đón năm mới tại Huế bị hạn chế thế nhưng người dân vẫn có một đêm giao thừa tươi vui với nhiều chương trình nghệ thuật đầy màu sắc.
Ngay từ tối, người dân tại thành phố Huế đã đến các khu vực chào đón xuân Nhâm dần như bia Quốc học, đài phun nước để cùng tham quan, chụp ảnh. Điểm nhấn trang trí hội xuân năm nay tại Huế là sự giao thoa giữa nét cổ truyền và hiện đại nhằm mang đến không khí mới mẻ, tươi vui nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa Huế.
Còn tại Đại nội Huế, màn biểu diễn hiệu ứng ánh sáng đẹp mắt cùng các chương trình nghệ thuật đặc sắc như lễ đổi gác, múa Ngũ hổ chúc xuân cũng đã thu hút đông đảo người dân và du khách đến trải nghiệm và thưởng thức.
Tại một số tỉnh thành khác tại khu vực Bắc Trung Bộ như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, mặc dù không có quá nhiều hoạt động chào đón năm mới nhưng người dân cũng đã đổ ra đường để cùng chào đón khoảnh khắc đón giao thừa. Các quy định 5K được người dân thực hiện nghiêm túc để đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
Trải qua một năm nhiều khó khăn, biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, người dân tại các địa phương đều đang thích ứng với nhịp sống bình thường mới để cùng chào đón một mùa Xuân nhiều hi vọng về những điều tốt đẹp hơn trong năm mới.
Người dân Đà Nẵng đón giao thừa ấm áp, an lành
Tại TP Đà Nẵng, lượng người dân đổ ra đường đón năm mới ít hơn năm trước. Tuy nhiên, đường phố được trang hoàng với những ánh đèn sắc màu đã làm nên nét ấm cúng với nhiều hi vọng cho năm mới đến với thành phố biển.
Thời tiết đêm giao thừa có mưa theo nhiều đợt, đang mỗi lúc một lạnh hơn do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường. Dòng người đến những nơi công cộng cũng giảm hơn mọi năm nhưng nhiều bạn trẻ vẫn duy trì thói quen đi đón giao thừa.
Công trình Vườn tượng APEC mở rộng này được đưa vào hoạt động đúng dịp đất nước mừng Đảng đón xuân mới. Mái vòm được thiết kế dựa trên ý tưởng "cánh diều bay cao", có diện tích hơn 790 m2 được tạo thành từ 200 tấn thép nguyên liệu.
Công trình không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa xã hội mà còn thể hiện tinh thần, khát vọng của người Đà Nẵng bay cao, bay xa, thân thiện hài hòa với thiên nhiên, một thành phố an bình, đáng sống, đáng đầu tư và đáng trải nghiệm.
Dịp Tết Nhâm Dần 2022 này, Đà Nẵng đã dành hơn 8,5 tỷ đồng để trang trí hoa và điện chiếu sáng toàn thành phố. Hai năm sau khi COVID-19 xuất hiện, đến nay, người dân đã bắt đầu sống chung với dịch nhưng không chủ quan, giữ ý thức phòng chống dịch. Hi vọng, Nhâm Dần 2022 sẽ là một năm phục hồi mạnh mẽ của kinh tế TP Đà Nẵng và trên cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!