Người dân Hà Nội cầm cự chờ ngày nước sạch về

Thu Ngà - Nguyễn Oanh-Thứ bảy, ngày 22/08/2015 18:18 GMT+7

VTV.vn - Trong khi người dân cố gắng cầm cự, sử dụng nước sạch tiết kiệm, các đơn vị phân phối nước cũng đang chạy đua với thời gian để cấp nước trở lại cho người dân.

Nắng nóng, mất nước, người dân tiết kiệm nước triệt để

Sáng 13/8, đường ống nước từ sông Đà về Hà Nội vỡ, ảnh hưởng trực tiếp đời sống sinh hoạt của khoảng 70.000 hộ dân Thủ đô ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông... Ngay sau khi xảy ra sự cố, phía Công ty Nước sạch Hà Nội đã có thông báo gửi tới một số quận, phường về việc phải tổ chức cấp nước luân phiên, cố gắng cung cấp nước sạch trở lại cho nhiều khu dân cư trong thời gian sớm nhất có thể.

Vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 13 Vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 13

VTV.vn - Rạng sáng hôm nay (13/8), đường ống nước sông Đà lại bị vỡ khiến hơn 100.000 hộ dân của thành phố Hà Nội mất nước sinh hoạt.

Đến nay, cơ bản người dân đã được cấp nước trở lại. Tuy nhiên, nhiều hộ dân tại những khu vực ở xa nguồn nhất như Định Công (Hoàng Mai), Mỹ Đình (Nam Từ Liêm), huyện Thanh Trì vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước sạch.

Những khu vực trọng điểm như đường Láng, Vũ Ngọc Phan (phường Láng Hạ), phường Thành Công, Ngọc Khánh (Đống Đa), phường Hạ Đình (Thanh Xuân), phường Cầu Diễn (Nam Từ Liêm)..., hàng nghìn hộ dân vẫn đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt.

Không có nước sạch để sử dụng, người dân càng bức bối hơn khi Hà Nội đang bước vào đợt cao điểm nắng nóng trên diện rộng. Nhu cầu sử dụng nước tăng cao nhưng nguồn cung lại hạn chế dẫn đến nhiều cảnh dở khóc dở cười. Nhiều ngày qua, cứ sáng sớm là người dân các khu vực bị mất nước lại vội vã cầm chậu, thùng, xô... đi xin nước. Nguồn nước chủ yếu được lấy từ bể dự trữ của các gia đình có bể ngầm dung tích lớn. Máy bơm lúc nào cũng chạy hết công suất để đáp ứng nhu cầu người sử dụng.

Các hộ dân phải dựa vào những bể ngầm dự trữ mới có nước sử dụng

Các hộ dân phải dựa vào những bể ngầm dự trữ mới có nước sử dụng

Cô Thanh Xuân (Cầu Diễn) than thở: “Nhà có 5 người, sáng sớm các con đi làm hết, mình tôi phải chạy đôn chạy đáo chuẩn bị nước sinh hoạt hàng ngày. Lúc thì xin nước hàng xóm xung quanh, khi phải chạy ra tận đầu khu mới có giếng khoan, xếp hàng chờ bơm nước rồi xách về sử dụng. Hiện tại, nước đã được cấp nhưng không thường xuyên, lượng cũng rất ít ỏi. Không biết khi nào mới trở lại guồng sinh hoạt thông thường, chứ cứ thế này thì khổ lắm!”.

Nước trong bể dự trữ có mùi nặng, không còn trong.

Nước trong bể dự trữ có mùi nặng, không còn trong.

Bác Quang (Cầu Diễn) chia sẻ thêm: “Ở đây mọi người chủ yếu phải dùng nước giếng khoan để sinh hoạt. Khi bơm lên, nước có mùi rất nặng vì nhiễm asem nhưng không còn cách nào khác, chúng tôi vẫn phải dùng để tắm giặt vệ sinh, còn ăn uống thì chấp nhận bỏ tiền mua nước khoáng”.

Không chỉ có người dân khu vực Nam Từ Liêm mới khổ sở vì mất nguồn nước sạch, nhiều hộ dân sống tại đường Láng cũng đang cùng chung cảnh "khát nước". Mặc dù đã được cấp nước từ 2 ngày nay nhưng tình trạng khan hiếm vẫn xảy ra thường xuyên. Chị Hằng (ngõ 850, đường Láng) cho hay: “Không còn tình trạng mất nước triền miên như trước vì công ty nước sạch đã cung cấp lại nhưng họ cung cấp kiểu luân phiên. Ở khu vực này, ban đêm hay gần về sáng người ta mới cấp. Các gia đình phải chờ chực suốt đêm để bơm nước về bể chứa của nhà, dùng trong ngày. Nhưng nước bơm rất yếu, nhất là ở những hộ cuối nguồn nước nên vẫn diễn ra tình trạng thiếu nước sạch thường xuyên. Thậm chí, nhiều nhà không thể sử dụng được vì đường ống không có nước”.

Bơm vẫn hoạt động nhưng nước còn ở rất xa

Để bơm nước vào bể, nhiều gia đình phải đầu tư máy bơm công suất lớn hay đường ống dài vài chục mét vô cùng tốn kém. “Gia đình bắt buộc phải đầu tư máy bơm tăng áp để khắc phục mất nước. Những ngày đầu, chúng tôi phải đi mua nước bên ngoài dùng, giá 10.000 đồng/bình 20l, có ngày cả nhà dùng đến 10 bình nước. Không biết đến bao giờ nước mới trở lại nên quyết định mua máy bơm. Dùng xong thì cất đi chờ đến lần mất nước tiếp”, anh Vinh (ngõ 850, đường Láng) cho biết.

Khó khăn nhất vẫn là sinh viên hay những hộ gia đình không có bể chứa nước dự trữ. Suốt thời gian mất nước, nhiều người phải chạy ngược chạy xuôi đi xin nhà có bể chứa lớn, hay chấp nhận mua nước với giá đắt đỏ về dùng. Nhiều sinh viên sống trong khu tập thể cũng trong cảnh ngày ngày phải xách nước lên vì chủ nhà đã có nước dự trữ nhưng chưa bơm lên các tầng trên.

Bạn Hồng Trang, sinh viên Đại học Ngoại thương, cho biết: “Em sống trên tầng 3, cho đến ngày hôm nay vẫn phải đem thùng, can xuống tầng 1 lấy nước vì trên phòng vẫn chưa có. Những ngày trước, phải đi tắm nhờ nhà bạn bè, cùng lắm phải ra nhà nghỉ, lần nào cũng mất 50.000 - 70.000. Quần áo không giặt được thường xuyên, có khi gom lại mấy ngày mới giặt. Mất nước, bọn em cũng không nấu nướng gì, chủ yếu đi ăn cơm bụi. Không được nấu ăn, đi vệ sinh em cũng... nhịn để tiết kiệm nước”.

Anh Hồ Đức Giang sống tại khu tập thể Tiểu đoàn Công binh, Tây Mỗ, Từ Liêm cho biết: “Tình trạng mất nước đã diễn ra gần một tuần nay, cuộc sống không chỉ riêng gia đình anh mà nhiều hộ dân sống tại khu gặp khó khăn. Mấy ngày hôm nay, anh phải đi hàng cây số để mua nước về để nấu ăn, còn việc tắm giặt thì 2 - 3 ngày mới dám tắm một lần, thậm chí còn phải sang nhà người thân cách xa hàng km để tắm nhờ.

Cùng cảnh mất nước, bác Trấn Tiến Lâm sống cùng khu tập thể nói: “Gia đình phải lấy nước cặn trong đáy bể để lọc rồi sử dụng trong sinh hoạt. Nguồn nước có được phải dùng rất tiết kiệm, rửa rau, giặt quần áo, xả nhà vệ sinh… nhưng cũng không đủ”.

Nhiều người dân đến chợ Láng Hạ A để xin nước sạch. Ảnh: Sơn Dương/VnE

Nhiều người dân đến chợ Láng Hạ A để xin nước sạch. Ảnh: Sơn Dương/VnE

Theo nhiều hộ dân, trong thời gian mất nước, họ gần như không biết thông tin về thời điểm sẽ được cấp nước trở lại. Công ty nước sạch Hà Nội có điều động xe téc phân phối cho các hộ dân ở các khu vực hiện đang mất nước. Theo phản ánh. đến ngày 20/8, nhiều hộ đã được cung cấp nước, nhưng thời điểm cung cấp chỉ vào ban đêm, làm cuộc sống hầu hết các gia đình bị đảo lộn. Việc cấp nước chưa có khung giờ cụ thể và chưa được thông báo rõ ràng nên nhiều người vẫn phải thức trắng đêm chờ nước.

"Thông báo công khai lịch cấp nước từng khu vực cho người dân"

Đây là chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng trước tình trạng nhiều khu dân cư đang chịu cảnh mất nước sạch kéo dài. Chia sẻ trên tờ VnExpress, Phó chủ tịch UBND Hà Nội phụ trách về vấn đề cấp nước sạch trên địa bàn Thủ đô, ông Nguyễn Quốc Hùng rất đồng cảm với người dân. Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết: "Sau sự cố, nhiều khu vực, địa bàn không có nước sử dụng, làm đảo lộn cuộc sống, ảnh hưởng nghiêm trọng sinh hoạt của nhân dân. Đây là việc không ai muốn nhưng trách nhiệm trước hết là của thành phố.

Thay mặt UBND thành phố Hà Nội, tôi xin nhận thiếu sót để xảy ra sự cố vừa rồi. UBND thành phố rất mong nhân dân thủ đô chia sẻ khó khăn, sử dụng nước tiết kiệm. Thành phố cũng đã yêu cầu các đơn vị phân phối phải thông báo công khai lịch cấp nước từng khu vực để nhân dân biết, dự trữ nước và sử dụng tiết kiệm trong thời gian ngừng cấp nước".

Ngoài biện pháp trước mắt là cung cấp nước cho người dân bằng xe téc, cơ quan hữu quan đang tích cực triển khai và hoàn thành sớm việc sửa chữa để cấp nước sạch trở lại. Cùng với đó, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt chủ trương xây dựng khẩn cấp thêm đường ống dẫn nước sông Đà.

Đường ống dẫn nước sông Đà trên sẽ kéo dài hơn 20km từ Hòa Lạc đến siêu thị Big C và dự kiến hoàn thành trong khoảng 90 ngày. Sau khi hoàn thành, tuyến ống dẫn nước khẩn cấp sẽ san sẻ khoảng 80.000 – 100.000m3 nước cho tuyến số 1, tuyến đường ống nước đã vỡ 13 lần trong hơn 3 năm qua. Mục đích xây dựng tuyến ống dẫn nước này để giảm áp, bảo đảm an toàn cho tuyến số 1 thường xuyên có nguy cơ bị vỡ.

Khẩn cấp xây dựng thêm đường ống dẫn nước sông Đà trong 90 ngày Khẩn cấp xây dựng thêm đường ống dẫn nước sông Đà trong 90 ngày

VTV.vn - Trước sự cố vỡ liên tục đường ống nước Sông Đà, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt chủ trương xây dựng khẩn cấp thêm đường ống dẫn nước sông Đà.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước