Từ những bàn tay nhanh nhẹn khi gói bánh chưng đến những cánh tay khỏe mạnh khi giã bánh dày, vào mỗi dịp Giỗ Tổ hàng năm, người dân đại diện cho các huyện tại tỉnh Phú Thọ lại tề tựu để làm nên những chiếc bánh ưng ý nhất dâng lên các vua Hùng.
Ông Lê Trường Giang, Giám đốc khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phó trưởng BTC Giỗ Tổ Hùng Vương 2021 chia sẻ: "Sự tích bánh chưng, bánh dày gắn với sự tích Lang Liêu dâng lên Hùng Vương thứ 6 để chọn người kế vị. Hàng năm, tại Đền Hùng, Ban tổ chức có tổ chức hội thi nấu, gói bánh chưng, bánh dày nhằm giáo dục truyền thống để thế hệ trẻ ngày nay hiểu được truyền thống, đạo lý hướng về cội nguồn của cha ông ta".
Người dân Phú Thọ tất bận chuẩn bị Giỗ Tổ Hùng Vương
Bên cạnh hoạt động gói bánh chưng hay làm bánh dày để dâng lên các Vua Hùng, hát Xoan cũng là một nét văn hóa vô cùng đặc trưng của người dân Phú Thọ vào mỗi dịp cận lễ hội Đền Hùng, đặc biệt, thú vị hơn rất nhiều nếu được thưởng thức những làn điệu hát Xoan trong một không gian cổ kính như đình cổ Hùng Lô.
Những không gian gia đình ấm cúng cũng là một nét đặc trưng tại Phú Thọ vào mỗi dịp cận Giỗ Tổ. Hầu như gia đình nào cũng làm bánh chưng, bánh dày nhưng không phải gia đình nào cũng có vinh dự để dâng những sản vật lên vua Hùng. Gia đình anh Nguyễn Văn Tư, xã Hùng Lô, Việt Trì, Phú Thọ, là một trong số ít những gia đình như vậy.
Anh cho biết để làm bánh chưng dâng lên Vua Hùng trước hết phải chọn được loại gạo ngon, nếp nhung hay nếp cái hoa vàng và thịt ba chỉ. Bánh chưng đặc biệt phải được gói bằng tay, không dùng khuôn để tạo nên những chiếc bánh chưng vuông vắn dâng lên các Vua Hùng.
Mặc dù Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay chỉ tổ chức phần lễ nhưng những giá trị và ý nghĩa của ngày giỗ đối với người dân Phú Thọ vẫn luôn vẹn nguyên. Đó không chỉ là một dịp lễ trọng đại mà với họ mà còn là dịp để người dân thành kính hướng về cội nguồn.
Một số hình ảnh ghi nhận (Ảnh: TTXVN):
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!