Người dân vùng xung yếu chủ động nơi trú bão

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 26/09/2022 20:28 GMT+7

VTV.vn - Trước khi cơn bão số 4 đổ bộ, người dân và chính quyền các tỉnh miền Trung đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ.

* Tại tỉnh Quảng Ngãi, chính quyền các địa phương ven biển đang khẩn trương hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa và chuẩn bị các điểm tập kết, chuẩn bị di dời người dân đến nơi an toàn. Tại nhiều làng biển, người dân đã xây dựng những hầm trú bão và nhiều năm qua đã bảo vệ người dân trước những cơn bão lớn.

Ngoài chủ động các phương án ứng phó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã quán triệt các địa phương không được để xảy ra những sự cố, thiệt hại do lỗi chủ quan, trừ trường hợp bất khả kháng, bảo đảm tính mạng cho người dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản, khi bão số 4 đổ bộ.

Người dân vùng xung yếu chủ động nơi trú bão - Ảnh 1.

Chính quyền các địa phương ven biển tại Quảng Ngãi đang khẩn trương hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa

* Sống ở vùng ven biển, thường xuyên phải đối mặt với bão lũ hàng năm nên người dân khu vực phía Bắc Quảng Nam như TP Hội An, thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên đã có kinh nghiệm sống chung với bão lũ.

Bên cạnh phương án sẵn sàng sơ tán 40.000 người dân vùng xung yếu, chính quyền TP Hội An, thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, TP Tam Kỳ đã chỉ đạo lực lượng chức năng vận động, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản khi đi sơ tán.

Một mối quan tâm khác của Quảng Nam là bảo vệ, hạn chế tối đa thiệt hại lên hệ thống di tích. Để có kế hoạch chủ động ứng phó, Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã khảo sát 45 di tích, trong đó có 11 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 21 di tích xuống cấp nặng và 13 di tích xuống cấp nhẹ. Đến thời điểm này, đã có hơn 30 di tích, nhà cổ được can thiệp hỗ trợ chằng chống, gia cố trước khi bão số 4 đổ bộ.

Kinh nghiệm đã trở thành thứ tài sản quý báu để người dân Quảng Nam ứng phó với gió bão. Một trong những cách hiệu quả nhất được người dân áp dụng đó là phương châm "4 tại chỗ" để đảm bảo an toàn tính mạng và giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tài sản.

* Mặc dù là thành phố nhưng trên thực tế, qua các trận bão lớn, Đà Nẵng có nhiều vùng xung yếu, dễ bị thiệt hại. Rút kinh nghiệm từ bão Xangsane năm 2006, TP Đà Nẵng đã có kịch bản tổng thể để ứng phó với bão, lũ và ngập úng đô thị. Với cơ bão số 4 - NORU, ngoài nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho tài sản của nhân dân, chính quyền thành phố tập trung vào việc sơ tán người dân huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu. Dự kiến có hơn 100.000 người sẽ được sơ tán trước bão.

Từ sáng nay (26/9), chính quyền các phường/xã ở Đà Nẵng đã thông báo tin bão NORU đến từng hộ gia đình. Tại các vùng xung yếu của huyện Hòa Vang, người dân sử dụng cát miễn phí để chằng chống nhà cửa. Thôn Đông Hòa của xã Hòa Châu có 700 hộ gia đình thì có đến gần một nửa là nhà không kiên cố. Họ thuộc diện đi sơ tán vào ngày mai, do vậy hôm nay tranh thủ gia cố nhà cửa trước khi rời nhà.

Kích hoạt kịch bản phòng chống bão, chính quyền TP Đà Nẵng vừa tổ chức họp khẩn để rà soát các phương án ứng phó với bão mạnh NORU.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, sơ tán tại chỗ đến những nhà kiên cố; di dời đến các khu tránh trú tập trung được xem là giải pháp hữu hiệu nhất. Với việc sơ tán hơn 100.000 người, tương đương 10% dân số Đà Nẵng, đây được xem là đợt sơ tán dân tránh bão lớn nhất từ trước đến nay. Mọi công tác phòng chống bão vẫn đang gấp rút triển khai và sẽ kết thúc trước 14h ngày 27/9, trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước