Tại ngã tư Pháp Vân - Ngọc Hồi, quận Hoàng Mai, chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút, phóng viên đã chứng kiến cả chục trường hợp xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh hay vật liệu xây dựng, sắt thép đi lại vô tư như chưa hề có lệnh cấm...
Người tham gia giao thông bất an, còn những người điều khiển xe tự chế chở hàng cồng kềnh thì luôn có lý do. ''Tôi cũng biết là vi phạm nhưng vì mưu sinh cũng chở cố để kiếm tiền'', một người vi phạm cho hay.
Vẫn biết cuộc sống mưu sinh còn nhiều vất vả nhưng đó không thể là lý do chính đáng để biện minh cho hành vi chở hàng cồng kềnh bằng xe tư chế, gây mất trật tự an toàn giao thông. Mới đây nhất, trên đường Trịnh Văn Bô, quận Nam Từ Liêm cũng xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe ba bánh tự chế chở sắt thép với người đi xe máy. Hậu quả người đi xe máy tử vong tại chỗ.
Trước đó, trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, chiếc xe ba gác chở sắt gắn chặt vào đầu xe bus sau cú va chạm mạnh. Những thanh sắt dài chọc thủng kính chắn khiến vô lăng và phần bảng điều khiển xe bus bị bung vỡ. Rất may, lái xe bus đã kịp hãm phanh và thoát khỏi cabin trước khi những thanh sắt lao thẳng vào phía mình.
Bó sắt cắm thẳng vào đầu chiếc xe bus (Ảnh: Hà Nội mới)
Theo Thiếu tá Phạm Minh Quân, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 14, Công an thành phố Hà Nội: ''Xe tự chế là những xe không được kiểm định về mặt kỹ thuật, hệ thống đèn, phanh lốp xe không đảm bảo tiêu chuẩn an tòan. Khi lưu thông trên đường, thêm hàng hóa chở cồng kềnh, che khuất tầm nhìn nên rất dễ xảy ra tai nạn giao thông''.
Nhiều trường hợp lái xe tự chế chở hàng cồng kềnh khi phát hiện cảnh sát giao thông chốt trực đã vượt đèn đỏ hoặc chuyền hướng đột ngột, không tập trung quan sát xe cộ nên dễ xảy ra tai nạn giao thông. Chỉ trong gần giờ đồng hồ, tại một chốt kiểm soát giao thông đã ghi nhận gần chục trường hợp vi phạm bị xử lý. Thế nhưng con số này chỉ là một phần rất nhỏ so với con số thực tế các loại xe tự chế vẫn hàng ngày bất chấp lệnh cấm ngang nhiên hoạt động.
Theo Nghị định 100/2019 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, hành vi chở hàng cồng kềnh bằng mô tô, xe gắn máy sẽ bị xử phạt từ 400.000 - 600.000 đồng. Trường hợp sử dụng xe đã được thay đổi hình dạng, kích thước, công dụng thì người vi phạm có thể bị xử phạt 800.000 đồng đến 2 triệu đồng. Hành vi này cũng có thể bị xử lý hình sự.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!