Nguy cơ suy thận do tăng huyết áp

Quyên Phan-Thứ năm, ngày 18/05/2023 08:00 GMT+7

Bác sĩ Phương Dung thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

VTV.vn - Tăng huyết áp gây chít hẹp, phá hủy các mạch máu, làm giảm lượng máu đến thận và là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 10% dân số bị ảnh hưởng bởi bệnh thận mạn tính. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 5 triệu người bị suy thận, khoảng 26.000 người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo và 8.000 ca mắc mới mỗi năm.

TTƯT.BS.CKII Tạ Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ CHí Minh cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều ca bệnh suy thận có liên quan đến yếu tố tiền huyết áp cao. Điển hình là trường hợp của anh Quốc Việt (55 tuổi, TP. Hồ Chí Minh). Huyết áp của anh Việt thường xuyên tăng cao (trên 150/90 mmHg), kèm theo các triệu chứng như chóng mặt, choáng váng, ù tai, mất thăng bằng, ngủ không ngon giấc và cảm giác ngứa ngáy triền miên. Lúc đầu, anh Việt nghĩ mình bị tiền đình nên uống thuốc hạ huyết áp và các thuốc bổ não nhưng không cải thiện. Sau thăm khám và làm các xét nghiệm, anh bất ngờ khi được kết luận bị suy thận độ 3.

Suy thận do huyết áp tăng cao không chỉ xuất hiện ở người cao tuổi mà có những bệnh nhân còn rất trẻ cũng gặp phải tình trạng này. Minh Hằng (21 tuổi, Kiên Giang) bị đau đầu kéo dài, thường xuyên uống thuốc giảm đau nhưng không cải thiện nhiều. Chị được chẩn đoán tăng huyết áp, chỉ số huyết áp tâm thu có khi lên đến 170-180 nmHg nhưng đáp ứng kém với thuốc điều trị. Kết quả chụp CT mạch máu toàn thân cho thấy, chị bị tắc động mạch dưới đòn bên phải, tắc động mạch thận bên trái cùng với thận trái teo nhỏ gây suy thận. Ngay sau đó, các bác sĩ đã hội chẩn can thiệp đặt stent động mạch thận, tái thông mạch máu để cứu quả thận.

Nguy cơ suy thận do tăng huyết áp - Ảnh 1.

Hình ảnh chụp CT 768 lát cắt thận trái của người bệnh bị teo do thiếu máu nuôi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Theo TTND.PGS.TS Nguyễn Thị Bạch Yến (Trưởng khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh, Hà Nội), suy thận có nhiều nguyên nhân, trong đó, suy thận do tăng huyết áp chiếm khoảng 65 - 85%. Đặc biệt, huyết áp và suy thận có mối quan hệ vòng xoắn bệnh lý. Cụ thể, khi tình trạng huyết áp cao không kiểm soát kéo dài sẽ làm tổn thương và phá hủy các mạch máu trong cơ thể, làm giảm lượng máu cung cấp đến thận và các cơ quan khác. Huyết áp cao cũng phá hủy bộ lọc cầu thận, làm giảm chức năng thận. Lúc này, thận không thể loại bỏ các chất cặn bã, độc hại, dư thừa ra ngoài theo đường tiểu. Khi có quá nhiều nước ứ đọng trong hệ mạch máu sẽ khiến huyết áp càng tăng cao hơn. Người bệnh suy thận, kèm huyết áp cao sẽ thúc đẩy bệnh tiến triển nặng hơn, có khả năng biến chứng suy thận mạn.

Suy thận mạn là biến chứng nặng nề nhất của các bệnh lý về thận, gây rối loạn điện giải, tăng huyết áp khó điều chỉnh, thiếu máu mạn tính và tích tụ độc tố. Có khoảng 130 độc chất ứ đọng trong cơ thể người bệnh suy thận mạn, gây hại đến các hệ thống cơ quan khác như hệ thần kinh, tim mạch, cơ xương khớp, hệ miễn dịch, huyết học, nội tiết tố… Người bệnh phải chịu đựng cảm giác mệt mỏi, đau đớn kéo dài, trở thành gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội, thậm chí đối diện nhiều biến chứng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao.

Để ngăn ngừa bệnh thận do huyết áp tăng cao, mọi người nên tạo thành thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ (6 tháng/lần), đồng thời cần tuân chỉ định của bác sĩ trong việc dùng thuốc để quản lý huyết áp ở mức an toàn (<140/90 mmHg). Bên cạnh đó, người bệnh cần thực hiện lối sống khoa học như nghỉ ngơi đầy đủ, kiểm soát căng thẳng, duy trì cân nặng lành mạnh, bỏ hút thuốc… Trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, đảm bảo ăn uống đủ chất, tăng cường rau xanh, trái cây tươi, uống đủ nước; hạn chế rượu bia, chất béo, muối, đường, thức ăn nhanh… Hoạt động thể chất thường xuyên cũng là một thói quen tốt giúp giảm huyết áp và tăng cường hệ miễn dịch, sự dẻo dai cho các cơ bắp. Nên tham gia các môn thể thao đơn giản như đạp xe, bơi lội, đi bộ nhanh, yoga, earobic… với cường độ vừa phải, ít nhất 150 phút mỗi tuần, bác sĩ Phương Dung khuyến nghị.

Vào lúc 20h ngày 18/5, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Điều trị tăng huyết áp và tăng huyết áp ở bệnh nhân suy thận" phát trên fanpage VnExpress.

Chương trình có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia, bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực thận học:

TTƯT.BS.CKII Tạ Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

TS. BSCC Mai Thị Hiền, Phó khoa Tiết niệu Nam học và Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Độc giả quan tâm có thể gửi câu hỏi tại bài viết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước