Nguy hiểm khó lường khi học sinh lên mạng học chế tạo pháo

Xuân Sơn-Chủ nhật, ngày 14/01/2024 20:36 GMT+7

VTV.vn - Giáp Tết, ở nhiều địa phương, trường học trên cả nước lại liên tục phát hiện các vụ việc học sinh tự tìm hiểu qua mạng, chế tạo pháo trái phép.

Nhiều vụ việc tai nạn thương tâm đã xảy ra. Cơ quan công an cảnh báo, đây là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và tiềm ẩn những mối nguy hiểm khôn lường, đe dọa tới sức khỏe, tính mạng của học sinh cũng như của cộng đồng dân cư.

Hơn 80 quả pháo các loại, 2,5 kg tiền chất dùng để pha trộn thành thuốc pháo và các dụng cụ làm pháo được công an thu giữ. 11 em học sinh ở xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, Thanh Hóa có liên quan đến hành vi tự chế và tàng trữ pháo nổ. Một em trong số này đã kể lại cách tự chế pháo.

Một học sinh khác còn thú nhận đã mua pháo của một bạn trong thôn sau đó bán lại cho bạn khác để kiếm lời.

Cơ quan công an nhận định, những video clip dạy cách làm pháo tràn lan trên các trang mạng xã hội đang khiến tình trạng học sinh học theo, sau đó tự chế pháo trái phép diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại khi trong số này, nhiều video được đăng tải khá lâu, nhưng đến nay vẫn tồn tại với số lượt xem, lượt tham gia bình luận cổ súy ngày một tăng.

"Các nguyên liệu mua để pha trộn thuốc pháo rất dễ mua trên mạng. Các video trên mạng xã hội hướng dẫn đều tỉ mỉ, chi tiết, nhưng lại không đề cập đến các quy tắc đảm bảo an toàn cháy nổ. Các em học sinh ở tuổi mới lớn, tò mò, hiếu động làm theo, nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn thương tâm là rất lớn", Đại úy Nguyễn Văn Tú, Trưởng Công an xã Hóa Quỳ, Như Xuân, Thanh Hóa, cho biết.

Nguy hiểm khó lường khi học sinh lên mạng học chế tạo pháo - Ảnh 1.

Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn quốc đã phát hiện hơn 2.600 vụ việc, thu giữ hơn 57 tấn pháo, bắt giữ hơn 3.400 đối tượng vi phạm về pháo.

Chưa thể thống kê chính xác có bao nhiêu học sinh đã phải chịu thương tật vì tự chế pháo nổ. Bệnh viện 108 mới đây vừa tiếp nhận điều trị cho 2 học sinh bàn tay bị dập nát hoàn toàn do xem trên mạng, sau đó làm theo các clip dạy chế tạo pháo từ bột diêm.

"Tổn thương do pháo nổ thường để lại di chứng nặng nề vùng bàn tay. Ngoài ra còn các tổn thương khác ở những vùng khác kết hợp như vùng hàm mặt, mắt, bụng, ngực", Đại tá, TS. Bác sĩ Nguyễn Viết Ngọc, Phó Chủ nhiệm khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho hay.

Theo Bộ Công an, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn quốc đã phát hiện hơn 2.600 vụ việc, thu giữ hơn 57 tấn pháo, bắt giữ hơn 3.400 đối tượng vi phạm về pháo. Trong số này hầu là thanh thiếu niên, học sinh.

"Các ngành, các cấp, cũng như nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng chưa có sự liên kết đồng bộ để giải quyết vấn đề một cách triệt để. Chính vì vậy tình trạng học sinh, sinh viên chế tạo pháo nổ trái phép diễn biến hết sức phức tạp", Thượng tá Lê Hồng Thái, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Thanh Hóa, nhận định.

Cách đây ít lâu tại Lục Ngạn, Bắc Giang đã xảy ra một vụ việc rất thương tâm do nổ pháo tự chế. Nạn nhân tử vong là một em học sinh 13 tuổi.

Phòng chống pháo nổ là trách nhiệm chung

Vậy biện pháp nào để các bậc phụ huynh quản lý được con em mình, các thầy cô quản lý được học sinh của mình? Rõ ràng các gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp với nhau trong việc phát hiện và ngăn chặn từ sớm việc học sinh tự chế pháo nổ và những tai nạn thương tâm do pháo gây ra.

Trường THCS Thái Thịnh, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp học sinh tự chế pháo nổ, do công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh để các em hiểu được sự nguy hiểm của hành vi tự chế pháo nổ luôn được các thầy cô giáo đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, vai trò của phụ huynh học sinh cũng rất quan trọng.

"Cha mẹ học sinh cần phải quan sát con hàng ngày xem những diễn biến của con mình có sự bất thường nào không hay những nội dung con mình xem trên mạng có liên quan đến việc học làm pháo tự chế hay không, từ đó cha mẹ cảnh báo con mình, cảnh báo cả những người bạn của con mình về những tác hại khi xảy ra tai nạn do pháo tự chế. Trong bữa cơm gia đình, trong những sinh hoạt chung của gia đình nên nói thường xuyên để các con hiểu rằng tự chế pháo, tàng trữ sử dụng pháo tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cũng như ảnh hưởng đến tính mạng bản thân và những người xung quanh", thầy giáo Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh, Hà Nội, cho biết.

Ở các địa bàn dân cư, lực lượng công an cơ sở phải đóng vai trò chủ công, phối hợp cùng gia đình, nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục học sinh..., như tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nhờ làm tốt công tác này đã vận động được hơn 50 em học sinh giao nộp số lượng lớn pháo nổ và tiền chất dùng để pha trộn thuốc pháo.

Lực lượng chức năng cũng cần phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, tàng trữ buôn bán, vận chuyển pháo nổ trái phép để tăng sức răn đe.

Nghị định số 144/2021 của Chính phủ quy định: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với các hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo. Người vi phạm liên quan đến pháo còn có thể bị xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm theo Điều 190 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù từ 1 - 5 năm, cao nhất là từ 8 - 15 năm.

Bé trai 14 tuổi rước họa vì chế tạo pháo tại nhà Bé trai 14 tuổi rước họa vì chế tạo pháo tại nhà

VTV.vn - Bệnh nhi T.T. (nam, 14 tuổi, trú tại Gia Lai) đang được Bệnh viện Nhi đồng 2 tích cực điều trị các vết thương ở vùng mặt, bàn tay phải... vì chế tạo pháo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước