Một nhà vườn cho biết, năm nào cũng xảy ra tình trạng nhãn, vải không bán được hết, đành để chín thối trên cây. "Đường sá đi lại quá khó khăn, thương lái đến mua phải quay ra. Vụ nhãn này tôi thiệt hại khoảng 200 triệu", ông Trần Quang Sơn, xã Mỹ An cho hay.
Người dân trong thôn cho biết, trong vụ thu hoạch vải cách đây khoảng 3 tháng, trên đoạn đường này đã xảy ra trường hợp do đường quá xấu, một người dân thồ vải bằng xe máy đã bị xe đổ đè gãy chân, phải đưa đi cấp cứu.
Con đường gồ ghề khiến người dân đi lại rất vất vả.
Ở xã Mỹ An, con đường đất gần 1,5km chưa được tu sửa sau nhiều năm sử dụng đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân địa phương. Đường đầy ổ gà, ổ voi, gồ ghề nên việc đi lại của người dân vô cùng cực nhọc, vất vả nhất là những gia đình có trẻ nhỏ, hàng ngày phải đưa đón con em mình đi học. Trời nắng thì bụi bẩn, trời mưa thì bùn lầy. Để không bị trượt ngã, chỉ còn cách đi một đoạn lại phải xuống dắt xe.
UBND xã Mỹ An lý giải, thôn Đồng Trắng được chia thành hai xóm bởi con sông Bò. Một bên sông là xóm đông dân với 80 hộ, đã cơ bản hoàn thành cứng hóa gần 5km đường giao thông. Xóm còn lại bên kia sông chỉ có gần 40 hộ. Phần vốn đối ứng người dân đóng góp mới chỉ đủ để làm được gần 1km đường nên vẫn còn gần 1,5 km đường nữa chưa được bê tông hóa.
Gần 1,5 km đường chưa được bê tông hóa.
Còn theo đại diện UBND huyện Lục Ngạn, thời hạn để các xã làm đường giao thông nông thôn theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm theo Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh cũng đã hết. Do vậy, kinh phí làm đường cũng không thể thu xếp ngay được.
Chưa biết chính xác đến bao giờ con đường đất ở xã Mỹ An mới được bê tông hóa. Hàng ngày vất vả đi lại trên con đường xuống cấp, ông Sơn lo lắng, vụ bưởi Tết năm nay của gia đình ông chắc sẽ lại không thoát khỏi cảnh khó tiêu thụ vì đường quá xấu...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!