Nhiều tuần nay, độ mặn trên sông Hàm Luông và sông Vàm Cỏ Tây đã giảm thấp. Thêm vào đó là nhiều trận mưa lớn xuất hiện trên diện rộng, cải thiện nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt vùng ngọt hóa tỉnh Tiền Giang.
Sau thời gian dài lo ngại sầu riêng kiệt quệ, chết khô do nắng nóng, anh Châu Văn Thanh cùng các nhà vườn trên địa bàn huyện Cái Bè đã phấn chấn tinh thần trở lại. Hệ thống cống ngăn mặn vùng ngọt hóa Gò Công được vận hành, bổ sung nước ngọt vào các tuyến kênh nội đồng. Hơn nửa ha sầu riêng 5 năm tuổi của anh đã được đảm bảo nguồn nước tưới.
Hơn nửa tháng nay, các cống trên tuyến tỉnh lộ 864 thông ra sông Tiền đã mở cửa thông thoáng. Độ mặn trên sông Tiền đã giảm đến mức không còn đáng ngại, nguồn nước ngọt nhận vào đảm bảo phục vụ an toàn cho sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Từ cuối tháng 4, đầu tháng 5, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang liên tục giảm. Nguồn nước cho vùng dự án ngọt hóa tỉnh Tiền Giang không chỉ nhờ mở cống mà còn được bổ sung từ một số cơn mưa lớn đầu mùa.
Ông Đặng Văn Tung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè, Tiền Giang, nhận định:"Đến thời điểm này mưa đã về. Tình hình hạn mặn trong mấy ngày qua nhìn chung đã xuống thấp và được kiểm soát tốt. Có thể nói đến thời điểm này công tác phòng chống hạn mặn năm 2024 đã đạt được kết quả đúng với mục tiêu phương án đề ra. Hiện nay đối với Cái Bè, 27.000 ha vườn cây ăn trái, trong đó có 10.000 ha sầu riêng được bảo vệ".
Mùa khô năm nay khắc nghiệt với nắng hạn kéo dài và xâm nhập mặn sâu. Tuy nhiên, các nhà vườn Tiền Giang đã an toàn vượt qua nhờ địa phương chủ động xây dựng tốt phương án và triển khai nhiều giải pháp ứng phó hiệu quả.
Hiện tại, mực nước các kênh trục chính trong vùng dự án ngọt hóa của tỉnh đạt mức -0,42 m đến -0,41 m, đảm bảo phục vụ sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt là ở các huyện, thị phía Tây - khu vực có nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng bởi khô hạn và xâm nhập mặn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!