Thời gian qua, "lộ, lọt thông tin" hay "rò rỉ dữ liệu cá nhân" là vấn đề nóng trong lĩnh vực an ninh mạng. Ngày càng có nhiều chủ thể thu thập dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, việc xuất hiện ngày càng nhiều dịch vụ mới sử dụng thông tin cá nhân trên không gian mạng như: thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến... cũng đang đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo vệ an ninh mạng, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Theo thống kê của Bộ Công an, đã có rất nhiều vụ để lọt lộ thông tin cá nhân thời gian qua. Điển hình như các vụ:
+ Công ty VNG để lộ hơn 163 triệu tài khoản khách hàng;
+ Tin tặc đã tấn công vào hệ thống máy chủ của một hãng hàng không, đăng tải lên Internet 411.000 tài khoản khách hàng thành viên;
+ Vụ gần 10.000 chứng minh nhân dân, căn cước công dân bị rao bán trên một diễn đàn tin tặc;
+ Dữ liệu khách hàng của Công ty FPT Shop bị đăng tải công khai trên mạng;
Và rất nhiều các vụ thông tin khách hàng bị lộ, lọt do các công ty môi giới dịch vụ taxi sử dụng để mời chào khách hàng.
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ có khoảng 20% nguyên nhân để lọt, lộ thông tin cá nhân thuộc về nhà cung cấp dịch vụ nhưng có tới 80% nguyên nhân lộ lọt thông tin cá nhân là xuất phát từ chính sự bất cẩn của người dùng.
Cục An Ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao, Bộ Công an cũng đưa ra nhận định, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc kết nối, chia sẻ thông tin ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Đây chính là kẽ hở để nhiều đối tượng lợi dụng để đánh cắp thông tin cá nhân.
Có trường hợp nạn nhân là sinh viên tại Thừa Thiên - Huế bị chiếm đoạt thông tin cá nhân bằng chiêu trò tuyển nhân viên quán cà phê lương cao qua mạng xã hội. Ngay sau khi lấy được thông tin có trong chứng minh nhân dân của các nạn nhân, các đối tượng lừa đảo đã nhanh chóng yêu cầu họ phải chuyển tiền vào số tài khoản mà chúng cung cấp, nếu không sẽ rao bán các thông tin cá nhân này, hoặc dùng để vay nóng trên các diễn đàn.
Trong đường dây mua bán hơn 6,2 triệu dữ liệu cá nhân vừa bị triệt phá tại Thừa Thiên - Huế, bên cạnh việc thu thập dữ liệu cá nhân bằng việc lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dùng, các đối tượng này còn truy cập trái phép vào trang nội bộ của các công ty tài chính, doanh nghiệp…. để đánh cắp thông tin rồi rao bán trên mạng xã hội để thu lợi bất chính.
Rất nhiều trường hợp lọt lộ thông tin, dữ liệu cá nhân mà người dân thường không để ý, không hiểu tại sao và cũng không biết làm thế nào để tránh. Trên thực tế, đã có rất nhiều người trở thành nạn nhân chỉ vì hành động vô tư chia sẻ hình ảnh thẻ căn cước công dân (CCCD) của mình. Nhiều trường hợp còn bị lợi dụng lấy thông tin cá nhân để thành lập công ty ma buôn bán hoá đơn bất hợp pháp hay bị lợi dụng hình ảnh căn cước công dân để làm thủ tục vay tiền.
Bộ Công an cho biết, thẻ CCCD gắn chip điện tử được thiết kế với độ bảo mật cao. Tuy nhiên trường hợp người dân tự ý đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD; cung cấp thông tin CCCD cho những dịch vụ không thiết yếu, các dịch vụ không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân hay cho người khác mượn CCCD nếu không có mục đích chính đáng sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Khi mất CCCD công dân cần trình báo ngay cơ quan chức năng để được cấp lại căn cước. Đồng thời phòng ngừa trường hợp CCCD bị lợi dụng thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật. Để có căn cứ chứng minh không liên quan đến những giao dịch đó, trong trường hợp người dân bị lừa vay tiền cần nhanh chóng thông báo với đơn vị cho vay đồng thời gọi đến cơ quan chức năng để được hỗ trợ nhanh nhất. Trường hợp CCCD bị lợi dụng để đăng ký thuê bao trả sau, mã số thuế hay tài khoản ngân hàng, người dân cũng cần nhanh chóng liên hệ với các cơ quan này để được hỗ trợ một cách sớm nhất.
Cơ quan công an cũng đưa ra khuyến cáo, mã QR và chip trên thẻ CCCD chứa rất nhiều thông tin cá nhân mà tội phạm công nghệ cao rất dễ lợi dụng để trục lợi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!