Nhập nhằng tiêu chí xét hộ cận nghèo - Chữ TÌNH lớn hơn chữ LÝ

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 08/08/2020 18:47 GMT+7

VTV.vn - Thời gian qua, nhiều câu chuyện gây xôn xao dư luận khi có những hộ cận nghèo có nhà cao cửa rộng, tậu được ô tô.

Năm 2019, cả nước có 984.764 hộ nghèo, chủ yếu là hộ nghèo về thu nhập và 1.166.989 hộ cận nghèo. Năm nào các địa phương từ làng, thôn, bản cũng rà soát, đánh giá về tính trạng thoát nghèo và cập nhật các hộ nghèo, cận nghèo mới. Tuy nhiên, với các hộ nghèo gần như khó có sai sót thì việc bình xét hộ cận nghèo đang bộc lộ một loạt nghịch lý về tiêu chí, ranh giới, tình - lý và cả chuyện "cận nghèo" là chỉ tiêu của địa phương để "cho nhau".

Thôn Hạ nghèo và có những hộ cận nghèo "tiêu biểu". Một căn nhà 3 tầng to đẹp trị giá cả tỷ đồng nằm ngay đầu làng là nhà ông Khâu. Còn nhà ông Phất dài tới 20 mét mặt đường, có cửa hàng rộng hơn 150m2 cung ứng hàng hóa cho cả xã.

Nhập nhằng tiêu chí xét hộ cận nghèo - Chữ TÌNH lớn hơn chữ LÝ - Ảnh 1.

Căn nhà của một "hộ cận nghèo"

Tháng 5 vừa qua, khi thông tin về một số hộ khá giả nhưng nằm trong danh sách hộ cận nghèo ở Thanh Hóa bị đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng thì 28 hộ - tức một nửa số hộ cận nghèo ở thôn Hạ đồng loạt viết đơn xin thoát nghèo, trong đó có nhà 2 ông Hạ và Phất.

Không ít hộ khá giả đang nằm trong danh sách "cận nghèo" ở các vùng nông thôn.

Nhà ông Sơn là hộ khá nhiều năm trong thôn, con gái phải thay thận, gia đình dần kiệt quệ vì đưa con đi khắp nơi chạy chữa. May mắn, thận của ông Sơn hợp với con và được ghép thành công thế nhưng, con ông mỗi tháng vẫn cần 18 triệu đồng để duy trì sức khỏe. Dù biết ai nhìn vào nhà mình cũng thấy bề thế nhưng ông Sơn vẫn "muối mặt" xin vào hộ cận nghèo, một phần cũng để chữa bệnh cho con.

Nhiều nhà khá giả không may có người mắc bệnh nặng cũng đều xin trở thành hộ cận nghèo. Chỉ cần được cả thôn họp và nhất trí rồi trình lên xã là sẽ được vào danh sách hộ cận nghèo. Xã cũng biết việc này là sai nhưng ở đây chữ "tình" còn lớn hơn chữ "lý".

Hàng năm, việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo được tiến hành định kỳ và thường xuyên với các quy định chặt chẽ và nhiều tiêu chí cụ thể, song quá trình triển khai lại đang phát sinh những lệch chuẩn, bất cập, gây ảnh hưởng đến công cuộc giảm nghèo. Số liệu trên giấy và thực tế làng xã hoàn toàn khác nhau.

Vào hộ cận nghèo nơi dễ, nơi khó, lúc là tình, lúc là lý dẫn đến không ít nhập nhằng trong bình xét hộ cận nghèo.

Hộ cận nghèo được rất nhiều ưu đãi để thoát nghèo như vay vốn không thế chấp, lãi suất thấp; con em đi học được miễn, giảm học phí và gia đình được giảm các khoản đóng góp ở nông thôn, được hỗ trợ từ 50 - 100% bảo hiểm y tế cùng nhiều hỗ trợ gián tiếp như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, pháp lý. Tất cả để hộ cận nghèo không tái nghèo nhưng việc cảm tính trong đánh giá, bình xét hộ cận nghèo ở nhiều địa phương lại là cơ hội trục lợi "ưu đãi".

Người không nghèo hưởng ưu đãi của người nghèo là một sự bất công. "Đói cho sạch, rách cho thơm" là điều các thế hệ trước răn dạy con cháu. Đó không phải chuyện của từng nhà mà là việc chung của cả các cộng đồng thôn làng. Hãy sống bằng cái mình làm ra chứ không phải trục lợi hay lạm dụng phần vốn thuộc về những người yếu thế hơn mình.

'Đi lạc' vào hộ nghèo, cận nghèo để nhận tiền gói hỗ trợ 62.000 tỷ sẽ bị xử lý như thế nào? "Đi lạc" vào hộ nghèo, cận nghèo để nhận tiền gói hỗ trợ 62.000 tỷ sẽ bị xử lý như thế nào? Vào hộ cận nghèo để vay tiền xây nhà hơn… 1 tỷ đồng Vào hộ cận nghèo để vay tiền xây nhà hơn… 1 tỷ đồng Người thân cán bộ vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo: Luân phiên thụ hưởng 'món hời' Người thân cán bộ vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo: Luân phiên thụ hưởng "món hời"
     

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước