Nhiều biển báo, đèn tín hiệu giao thông “bẫy” người đi đường

Mạnh Tú-Thứ sáu, ngày 14/02/2025 11:28 GMT+7

VTV.vn - Hệ thống biển báo bất hợp lý, khó quan sát, hệ thống đèn tín hiệu hoạt động chập chờn. Đây là thực trạng xuất hiện tại nhiều đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Việc đi thế nào cho đúng luật, tránh bị phạt oan, bảo đảm an toàn cho các phương tiện khác, khi hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông đôi khi trở thành những "chiếc bẫy" trên đường, là điều không dễ dàng đối với nhiều người tham gia giao thông.

Tấm biển cấm đi ngược chiều này là để hạn chế tình trạng ùn tắc tại nút giao Nguyên Hồng - Đê La Thành. Được cắm ở vị trí dễ nhìn, dễ thấy, nhưng dường như tấm biển vẫn "vô hình" với dòng phương tiện.

Một trong những nguyên nhân được người đi đường đưa ra là thay vì cấm từ xa để người dân chuyển hướng, đoạn đường cấm chỉ ngắn khoảng 10 m khiến nhiều lái xe không kịp xử lý.

Một ví dụ khác về sự bất hợp lý của biển báo giao thông, đó là biển cấm đỗ được đặt ngay trước điểm khai thác chỗ đỗ xe. Xung quanh tuyến phố Duy Tân và Trần Thái Tông của quận Cầu Giấy có rất nhiều vị trí tương tự như vậy, biển cấm đỗ được cắm cùng với điểm trông giữ xe do Sở GTVT Hà Nội cấp phép. Điều này không chỉ dễ gây hiểu nhầm cho người đi đường, mà còn khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Vậy đặt biển cấm để làm gì?

Nhiều biển báo, đèn tín hiệu giao thông “bẫy” người đi đường - Ảnh 1.

Hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông đôi khi trở thành những "chiếc bẫy" trên đường,

"Nếu những khách vãng lai hay người từ nơi khác đến thì nó sẽ gây hiểu nhầm, họ sẽ bối rối không biết chỗ nào được đỗ và chỗ nào không đỗ được, nhất là khi bây giờ luật mới thông qua, mức phát khá cao nên sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý người tham gia giao thông", anh Đỗ Trường Nam (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Biển báo giao thông chưa hợp lý không phải "cái bẫy" duy nhất. Đèn đột ngột chuyển màu, số đếm màu xanh nhưng đèn màu đỏ, hay đơn giản là những phương tiện chỉ dẫn giao thông bị che bởi đủ loại vật cản như tán cây, dây diện. Dù tiêu chí dễ thấy, dễ đọc và dễ hiểu là 3 điều kiện bắt buộc đối với hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông.

Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội khuyến khích người dân khi phát hiện những bất cập về tổ chức giao thông có thể phản ánh qua trang Zalo hoặc số điện thoại đường dây nóng. Đây là cơ sở để lực lượng chức năng giải quyết tồn tại và cũng là tiền đề góp phần xây dựng văn hóa giao thông cho người đi đường.

Hà Nội: Nhiều biển báo giao thông bị che khuất, chữ quá nhỏ Hà Nội: Nhiều biển báo giao thông bị che khuất, chữ quá nhỏ

VTV.vn - Biển chỉ dẫn giao thông nhưng lại bị khuất tầm nhìn hay chữ quá nhỏ... những bất cập này đang khiến người tham gia giao thông lúng túng, thậm chí vi phạm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước