Nhiều cơ sở dạy lái xe chưa lắp cabin điện tử

Ánh Kim-Thứ năm, ngày 20/10/2022 21:19 GMT+7

VTV.vn - Nhiều trung tâm đào tạo lái xe và cơ quan quản lý nhà nước đề xuất xem xét điều chỉnh lộ trình trang bị, sử dụng cabin điện tử học lái xe ô tô.

Từ ngày 1/1/2023, các cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải trang bị và sử dụng cabin điện tử mô phỏng để học viên tập lái. Đây là quy định bắt buộc của Bộ Giao thông Vận tải.

Mặc dù đã được gia hạn, nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều trung tâm đào tạo lái xe và cơ quan quản lý nhà nước đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xem xét tiếp tục điều chỉnh lộ trình với quy định này.

Lỗi thẻ, mất kết nối, nhiều trục trặc phát sinh với hệ thống giám sát hành trình, thiết bị theo dõi thời gian và quãng đường của người học lái. Các thiết bị này được yêu cầu trang bị tại các cơ sở từ giữa năm nay, nhưng thực tế áp dụng xuất hiện nhiều khó khăn cho học viên.

Do đó hiện có thêm quy định sử dụng cabin điện tử mô phỏng, từ đầu năm sau, nhiều cơ sở đào tạo cho rằng cần có thêm thời gian để thử nghiệm và đánh giá.

Nhiều cơ sở dạy lái xe chưa lắp cabin điện tử - Ảnh 1.

Học viên lái xe học thực hành lái xe trên cabin điện tử. (Ảnh: VOV)

"Đôi khi đang chạy thì máy lại tự nhiên mất. Có khi lại bị mất định vị, mất sóng nên số km không được tính. Tôi thì có trường hợp học viên phải chạy lại 400 km", ông Nguyễn Hữu Tuyến, Giáo viên Trung tâm dạy nghề lái xe cơ giới đường bộ, cho biết.

"Bây giờ lại thêm 1 cabin mô phỏng này nữa thì chúng tôi mong muốn để đầu tư vào một vài đơn vị thử nghiệm. Đánh giá kết quả sau một số khóa đào tạo. So sánh người học mô phỏng và người không học mô phỏng, nếu có sự khác biệt thì mới áp dụng đại trà", ông Lại Thế Chất, Giám đốc Công ty Cổ phần Thành Đạt, đề xuất.

Tại trung tâm dạy nghề Thái Việt, khoản tiền đầu tư hệ thống thiết bị giám sát hành trình lên tới gần 3 tỷ đồng, chưa kể các khoản đầu tư để đáp ứng yêu cầu đào tạo và thi bằng lái theo quy định mới trong năm nay. Khoản tiền đầu tư cabin điện tử không hề nhỏ.

"Mỗi tháng tuyển thêm khoảng 1.000 học sinh. Với mức độ như vậy thì phải đầu tư 8 - 10 cabin điện tử. Với báo giá hiện nay, mỗi cabin cũng phải từ 400 - 500 triệu thì cũng ngót 5 tỷ", ông Nguyễn Cao Cương, Giám đốc Trung tâm dạy nghề Thái Việt, cho hay.

Còn theo đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc sản xuất thiết bị cabin điện tử và ảnh hưởng đến quá trình thử nghiệm, chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật. Đây cũng là nguyên nhân khiến các cơ sở đào tạo chậm triển khai.

"Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quy chuẩn của cabin điện tử, nhưng đến nay chưa có đơn vị nào được công nhận có sản phẩm hợp quy để cung ứng ra thị trường. Các đơn vị muốn đầu tư cũng chưa biết đầu tư cabin nào, của đơn vị sản xuất nào để phù hợp với quy định của nhà nước", ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, thông tin.

Ghi nhận những thực tế này, ngay tuần qua, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã thống nhất với đề xuất của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và các cơ sở đào tạo lái xe, đề nghị xem xét điều chỉnh lộ trình trang bị, sử dụng cabin điện tử học lái xe ô tô.

Các cơ sở cũng kỳ vọng, khi lùi thời điểm áp dụng quy định, cabin điện tử sẽ được thí điểm để thấy rõ hiệu quả, tránh lãng phí khi nhân rộng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước