Dù không dễ thực hiện nhưng một số quận huyện bước đầu đã thay đổi được ý thức của người dân trong công cuộc phòng chống "giặc" lửa.
Ngay từ khi xây dựng, ông Trần Văn Thuật (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã tính đến phương án thoát hiểm cho gia đình. Căn nhà có đến gần 10 lối thoát nạn được mở ở cả mặt trước lẫn mặt sau. Thang dây cùng các dụng cụ thoát hiểm được để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy. Một trong những lý do là nhà của ông nằm trong ngõ nhỏ, cách khá xa mặt đường chính.
"Các cái vụ cháy ở Định Công, vụ cháy ở Khương Đình, nhà cũng là dạng trong khu dân cư. Cháy nổ rất nguy hiểm nên khi có điều kiện mở được càng nhiều lối thoát nạn thì càng an toàn", ông Thuật chia sẻ.
Một khu tập thể cũ từng xảy ra sự cố cháy ở tầng 3. Không có thương vong về người nhưng đó lời cảnh báo để 70 hộ gia đình tại đây đồng lòng mở lối thoát hiểm từ các chuồng cọp. Các trang thiết bị chữa cháy ban đầu ở cả trong và ngoài căn hộ đều được bổ sung đầy đủ.
Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Quận Thanh Xuân cho biết, đã có hơn 23.000 nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn mở lối thoát nạn thứ hai, tỷ lệ đạt 100%.
Đối với mỗi một loại hình cơ sở hay nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh thì công an quận sẽ có những biện pháp phòng ngừa cụ thể. Hướng đến chủ yếu trang bị kiến thức cơ bản về thoát nạn, làm sao để người dân biết cách phòng ngừa tốt rồi mới đến được những kỹ năng chữa cháy với cứu người, cứu tài sản", Thượng úy Lê Ngọc Huy, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn bộ nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh sẽ có lối thoát nạn thứ hai. Chủ hộ xây dựng phương án thoát hiểm cho các thành viên phù hợp với từng loại công trình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!