Theo đó, mới đây, Nghị định 30 sửa đổi, bổ sung một số quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đã cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô có thể thực hiện dịch vụ kiểm định xe. Trước đó, Thông tư 08 của Bộ Giao thông vận tải cũng cho phép tự động gia hạn đăng kiểm thêm 6 tháng đối với xe ô tô dưới 9 chỗ không kinh doanh, nhằm giảm áp lực ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm.
Là tài xế chạy xe tải, anh Thắng cho biết, do nhiều xe cá nhân được lùi thời hạn đăng kiểm nên thời gian khám xe của anh đã rút ngắn khoảng 2 tiếng so với trước đây.
"Bây giờ xe tôi vào khám là được khám ngay. Như xe trước là tôi phải chờ mất 2 tiếng. 5h sáng tôi phải ở nhà đi rồi", anh Thắng cho biết.
Các quy định mới ban hành đều được xem là các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực đăng kiểm hiện nay.
Một trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội cho biết, sau khi giãn thời hạn đăng kiểm cho gần 1,4 triệu xe cá nhân trên cả nước, lượng xe đến kiểm định đã giảm khoảng 1/3, tạo điều kiện để có thể kiểm định thuận lợi hơn cho các xe kinh doanh vận tải.
Đối với quy định các cơ sở bảo hành bảo dưỡng xe có thể xin cấp phép làm đăng kiểm vừa được sửa đổi trong Nghị định 30, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, muốn làm được việc này các đơn vị cần đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở vật chất và con người. Ước tính, để đầu tư hai dây chuyền đăng kiểm, các chi phí về mặt bằng, thiết bị công nghệ lên đến 10 tỷ đồng.
Để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính sớm xây dựng giá dịch vụ kiểm định mới cao hơn hiện nay. Tuy nhiên, nếu tăng giá dịch vụ sẽ buộc các trung tâm đăng kiểm phải nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực quản lý để giảm chi phí để phù hợp với mức giá dịch vụ mà người dân và doanh nghiệp chi trả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!