Với họ, thực phẩm và nơi ở là nhu cầu cấp thiết nhất lúc này. Tuy nhiên, để có nơi ở thực sự an toàn, ổn định, không phải là điều dễ dàng.
Tại nơi ở tạm của 9 người dân ở vùng sạt lở đất, gọi là nơi ở nhưng cũng chỉ là tấm bạt đủ để che nắng, che mưa, họ gần như không kịp mang theo thứ gì sau vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra. Dù chồng chất khó khăn, nhưng với những người dân, như thế đã là quá may mắn so với những người dân khác trong bản làng không may thiệt mạng.
Những người dân vùng sạt lở chưa biết họ sẽ phải ở đây trong bao lâu. Họ đang phải làm tạm chỗ nghỉ. Còn về thực phẩm, hàng ngày chính quyền địa phương sẽ chuyển vào cho những người dân, trong số những người dân có em bé chỉ hơn 2 tuổi.
Nhiều người dân vùng sạt lở phải làm tạm chỗ nghỉ, những tấm bạt đủ để che nắng, che mưa.
Chưa thể yên tâm với nơi ở tạm là tâm lý chung của không ít người dân vùng sạt lở, bởi nơi đây vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đất.
"Ở đây không ổn lắm vì trên này có một vết vứt khá dài. Mưa thêm một tuần, sau đó nhiều nước quá sẽ gây sạt lở", anh Triệu Kiềm Cuối (xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) lo ngại.
Với phong tục tập quán nơi ở gắn liên với nơi sản xuất, những người dân hiện đang rất mong muốn sớm có được nơi ở ổn định trong thời gian tới.
"Đất rộng, nhưng chủ yếu là núi cao, ở những vị trí nguy hiểm nên việc ổn định cho người dân rất khó khăn do liên quan đến kế sinh nhai, phong tục tập quán, đất canh tác, sản xuất, vì vậy chúng tôi đang rất khó khăn", ông Hoàng Văn Thạch (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng) cho biết.
Toàn tỉnh Cao Bằng có khoảng 300 người dân phải di dời ra khỏi vùng sạt lở, hiện đang cơ bản đều phải sống tạm trong những lều lán.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!