Chơi hụi (ở miền Bắc gọi là chơi họ) là cách thức một nhóm người cùng đóng góp một số tiền bằng nhau theo tháng, theo tuần. Sau đó bốc thăm xem ai là người được nhận tiền mỗi tháng, mỗi tuần. Người đã nhận được tiền sẽ không được tiếp tục bốc thăm và phải đóng tiền cho đến khi kỳ hụi kết thúc. Chơi hụi, chơi họ đã có từ lâu đời. Nguồn gốc của nó mang ý nghĩa nhân văn. Bởi đây là cách thức bà con, họ hàng, làng xóm giúp đỡ những người khó khăn lấy vốn làm ăn. Thế nhưng, theo thời gian, hình thức góp vốn này đã dần biến tướng. Nó trở thành một hình thức vay nợ hoàn toàn dựa trên quan hệ dân sự, không có sự chứng kiến của cơ quan chức năng. Và khi chủ hụi không còn khả năng chi trả, người chơi cũng chẳng thể kêu ai
Tại tỉnh Phú Yên, hơn 60 gia đình ở thị xã Đông Hòa, năm nay có lẽ sẽ mất Tết. Đường dây hụi họ tin tưởng lâu nay của một phụ nữ tên Phương vừa vỡ. Những ngày giáp Tết không còn vui tươi, phấn khởi nữa, nỗi buồn đang bao trùm cả làng biển nghèo trong những ngày này.
Nhiều tiểu thương ở chợ Phú Lạc điêu đứng vì vỡ hụi
Suốt 1 tuần nay, các tiểu thương ở chợ Phú Lạc, phường Hòa Hiệp Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, ai nấy cũng thất thần khi chủ hụi là bà Huỳnh Thị Phương, sống cùng khu phố không còn khả năng chi trả tiền cho các hụi viên và đã đi khỏi địa phương.
Có tiểu thương góp đến 110 triệu đồng chơi hụi, một số tiểu thương khác góp đến gần 300 triệu đồng, giờ đã không thể lấy lại tiền. Thậm chí, nhiều cụ già mất cả số tiền dành dụm được lâu nay vì tham gia chơi hụi.
Người dân ở đây cho biết, đường dây hụi do bà Phương làm chủ đã diễn ra hàng chục năm nay. Tuy nhiên, những năm trước người dân chỉ tham gia nhỏ, giá trị không lớn và bà Phương cũng chi trả sòng phẳng tạo lòng tin cho bà con. Khoảng 3 năm trở lại đây, phong trào chơi hụi theo bà Phương phát triển với quy mô lớn, lôi cuốn cả trăm người trong xã tham gia.
Khi biết bà Huỳnh Thị Phương vỡ hụi, chị Hương đã ngồi lại liệt kê danh sách người bị mất tiền để báo cáo lên cơ quan công an thì phát hiện bà Phương đã không có khả năng chi trả từ lâu nhưng không ai biết. Biểu hiện vấn đề này là ai đến tháng nhận tiền hụi đều được bà Phương trả lời: Đã có người khác rút trước nhưng thực tế trong nhóm chơi hụi không ai rút được tiền. Vấn đề ở đây là trong nhóm chơi hụi không ai biết ai nên con hụi vẫn tin chủ hụi và chỉ đến khi vỡ hụi, nhiều người mới biết tiền của mình đã mất.
Công an phường Hòa Hiệp Nam cho biết, ban đầu đã nhận được đơn tố cáo của 61 hộ dân với số tiền gần 3,4 tỷ đồng. Đồng thời, đã mời bà Phương lên làm việc và bà Phương thừa nhận nợ dân nhưng số tiền bao nhiêu thì chưa tính hết và ngày 6/1 đến nay, bà Phương đã rời khỏi địa phương.
Chủ hụi vỡ nợ đã đành. Những năm qua, nhiều đối tượng thậm chí còn lợi dụng chơi hụi, chơi họ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như tại tỉnh Nghệ An, cơ quan công an vừa khởi tố vụ án, tạm giữ hơn 10 đối tượng để phục vụ điều tra liên quan đến chơi phường hụi phạm pháp.
Các đối tượng này thường lợi dụng mạng xã hội để thành lập các phường hụi trái pháp luật; lợi dụng uy tín, kêu gọi người dân góp tiền chơi phường hụi, sau đó tuyên bố vỡ hụi để chiếm đoạt tài sản. Hoặc sử dụng công nghệ để tạo tin nhắn giả chuyển tiền để chiếm đoạt tiền của người dân. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, hàng trăm người đã trở thành những nạn nhân từ việc chơi hụi trái pháp luật này, số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!