Nhiều tấn mỡ trâu bò bốc mùi hôi, mất vệ sinh an toàn thực phẩm không có hóa đơn, chứng từ được thu gom về các nhà xưởng tại xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội. Từ đây, mỡ bẩn tiếp tục được chuyển cho một đầu mối khác để phân loại và đưa đi tiêu thụ.
Tình trạng này đã và đang xảy ra từ lâu, cho thấy vẫn còn nhiều khoảng trống trong quản lý hoạt động thu gom, kinh doanh các loại nguyên liệu để chế biến thực phẩm.
Trên trục đường liên xã Hòa Bình - Khánh Hà, vào lúc 5h sáng, các xưởng thu gom mỡ bắt đầu hoạt động. Mỗi xưởng có 2 đến 3 lao động nhanh chóng phân loại mỡ và các loại phụ phẩm khác của trâu bò như da, cuống họng. Mọi hoạt động diễn ra dưới nền đất, chỉ trải một tấm bạt. Ruồi đậu kín những khu vực này, nhiều dụng cụ đựng các loại sản phẩm đều không được tẩy rửa.
Nhân viên tại các xưởng này cho biết có hai loại mỡ: mỡ loại 1 và mỡ loại 2 để rán. "Ngửi thấy mùi là tôi bị nôn rồi đấy. Nó không phải là hôi mà thối khăm khẳm. Chúng tôi làm nhưng không ăn những thứ đó nữa," một nhân viên chia sẻ.
Liên tục các xe vào thu gom mỡ và các loại phụ phẩm. Chiếc xe ba bánh của một đầu mối phân phối thực phẩm khác tại địa phương đến từng xưởng lấy hàng. Một ngày sẽ có khoảng một tấn mỡ được bán cho cơ sở này. Mỡ được đổ lên xe mà không cần che đậy, đi qua các tuyến đường và nhanh chóng đưa vào một địa chỉ khác sâu trong con ngõ nhỏ.
Tại một trong những cơ sở kinh doanh phụ phẩm lớn nhất huyện Thường Tín. Các loại mỡ vừa chuyển về không cần qua bất cứ công đoạn nào nữa, đóng vào túi nylon từ 5kg đến 20kg. Phần nội tạng, trong đó có cuống họng trâu bò, được đưa ra một vị trí khác sơ chế ngay trên đường làng, gần khu vực cống thoát nước.
"Đi qua còn khó ngửi nữa là. Thối. Để lâu người ta mới mang về," một nhân viên xưởng thu gom mỡ thông tin.
Các chuyến xe chở mỡ và nhiều loại phụ phẩm, nguyên liệu chuẩn bị rời đi vào đầu giờ sáng. Xe không có thùng đông lạnh, chuyển hàng đi nhiều địa phương. iểm đến của các loại thực phẩm trên tại nhiều nhà xưởng ở xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội là một cửa hàng bên ngoài biển ghi là cửa hàng lẩu, nhưng thực chất bên trong làm xúc xích và các loại giò chả, dồi sụn.
"Nhà mình ăn thì đưa nhà mình ăn, còn bán hàng thì đưa loại bán hàng riêng," - chủ cơ sở tại xã Hồng Dương, Thanh Oai, Hà Nội cho biết.
Theo tìm hiểu, trong số những hộ thu gom phụ phẩm trên, chỉ duy nhất một hộ có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cá thể, còn lại các hộ khác đều không đăng ký kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, Thường Tín, Hà Nội, cho biết: "Họ làm trong nhà kín không ai biết, người dân cũng không biết. Cái này cũng khó cho chính quyền."
Đối chiếu với biên bản kiểm tra mới nhất của chính quyền xã Hòa Bình. Những chủ cơ sở kinh doanh phụ phẩm khẳng định những nguồn nguyên liệu này chỉ bán cho các địa chỉ làm thức ăn cho cá và các loại động vật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!