Từ chiều 24/9 đến 25/9, tại một số tỉnh, thành miền Trung đã có mưa to đến rất to. Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ghi nhận lượng mưa phổ biến từ 30mm - 100mm. Lượng mưa lớn và kéo dài đã gây ngập cục bộ tại nhiều tuyến đường trung tâm thành phố. Một số khu vực vùng ven, nước cũng dâng cao gây ngập cục bộ. Thống kê sơ bộ toàn thành phố Đà Nẵng hiện có tới 40 điểm ngập cục bộ.
Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng bị ngập (Ảnh: TTXVN)
Chính quyền thành phố đã chỉ đạo các địa phương trên địa bàn và ngành chức năng sẵn sàng các phương án ứng phó với diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới. Đặc biệt, tăng cường cảnh báo sớm cho người dân sẵn sàng phương án ứng phó, nhất là trong đêm 25/9 và sáng 26/9, dự báo lượng mưa sẽ rất lớn có thể lên đến 150mm, đảm bảo công tác phòng chống ngập lụt, nhất là khu vực trung tâm thành phố, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Hiện Đà Nẵng có 74 phương tiện/762 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, có tàu cá ĐNa 90709 gồm 10 lao động nằm trong đường di chuyển của áp thấp hiện đang di chuyển về Quảng Ngãi để đảm bảo an toàn.
Tại Thừa Thiên Huế có mưa rất to kèm theo giông mạnh, gió lốc làm tốc mái 35 ngôi nhà của người dân; 3 người bị thương nhẹ hiện đang điều trị tại Trạm Y tế phường Thuận An.
Mưa lớn, giông lốc gây ngập cục bộ, nhiều căn nhà bị tốc mái tại Thừa Thiên - Huế (Ảnh: TTXVN)
Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ người dân di dời tài sản, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra để sớm ổn định cuộc sống.
Tại Quảng Nam, trước diễn biến phức tạp, khó lường của áp thấp nhiệt đới, gây mưa to trên đất liền và gió lớn trên biển; chiều 25/9, lãnh đạo tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Nam đã đến Khu neo đậu tàu thuyền An Hòa, địa điểm neo đậu tàu thuyền lớn nhất tỉnh và các địa phương ven biển để chỉ đạo công tác kêu gọi tàu thuyền còn trên biển khẩn trương tìm nơi trú ẩn an toàn, chỉ đạo công tác neo đậu tàu thuyền để tránh va đập gây hư hại nặng.
Cho biết trên TTXVN, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ: Đến chiều 25/9, toàn bộ tàu thuyền của ngư dân Quảng Nam đánh bắt ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đã nhận được thông tin về áp thấp và đang trên đường đến nơi trú ẩn an toàn. Toàn bộ tàu thuyền khai thác ở vùng gần bờ đang khản trương vào đất liền. Hướng đi của cơn áp thấp này rất nguy hiểm nên các lực lượng, địa phương rất cảnh giác để phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại.
Đến 17h20 ngày 25/9, toàn bộ 44 tàu cá của ngư dân Quảng Nam đánh bắt ở ngư trường gần bờ với 202 lao động đã vào nơi trú ẩn an toàn, 9 tàu cá đang ở vùng biển xa bờ được các cơ quan chức năng hướng dẫn tìm nơi trú ẩn an toàn gần nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!