Quảng Nam cấm biển, Đà Nẵng mưa to do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới

PV-Thứ hai, ngày 25/09/2023 10:40 GMT+7

Một số tuyến đường ở Đà Nẵng ngập sâu trong nước, người dân phải dắt bộ phương tiện. Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to.

Theo cập nhật của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới lúc 10 giờ ngày 25/9 ở khoảng 15.2 độ Vĩ Bắc; 110.3 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng 241km về phía Đông Đông Nam, cách Quảng Ngãi 165km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8. Dự báo trong 3 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10-15km/h.

Quảng Nam cấm biển, Đà Nẵng mưa to do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới - Ảnh 1.

Đồ họa: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Từ ngày 25-27/9, ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to. Ở Bắc và Trung Trung Bộ lượng mưa phổ biến 70-200mm, có nơi trên 230mm; Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ từ 50-80mm, có nơi trên 100mm.

Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Đà Nẵng có nơi mưa to, gây ngập úng cục bộ

Từ đêm 24 đến sáng 25/9, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, thành phố Đà Nẵng có mưa to đến rất to. UBND thành phố đã triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, ngập úng trên địa bàn.

Quảng Nam cấm biển, Đà Nẵng mưa to do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới - Ảnh 2.

Sáng 25/9, thành phố Đà Nẵng có mưa lớn liên tục gây khó khăn cho việc lưu thông vào giờ đi làm của người dân. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, từ 4 giờ đến 7 giờ ngày 25/9, lượng mưa tại thành phố Đà Nẵng phổ biến từ 30 đến 60 mm, một số nơi lên đến hơn 80 mm. Dự báo trong sáng 25/9, tại các quận, huyện,mưa to đến rất to tiếp tục duy trì, lượng mưa phổ biến từ 50 đến 100 mm, có nơi trên 120 mm. Mưa cường với độ lớn tập trung trong thời gian ngắn có khả năng gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp và các khu đô thị, làm cản trở giao thông và thiệt hại tài sản; nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi.

Sáng 25/9, nhiều tuyến đường trung tâm thành phố Đà Nẵng đã xảy ra ngập úng cục bộ như: đường Trưng Nữ Vương, Núi Thành, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Nguyễn Hữu Thọ… Do ngập sâu vào giờ cao điểm đi làm buổi sáng nên nhiều phương tiện ô tô, xe máy bị chết máy, phải đưa đi sửa chữa.

Theo ông Nguyễn Văn Duy, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu (thành phố Đà Nẵng), ngày 16/9 vừa qua, UBND quận đã phát động cán bộ, nhân viên, người dân của 13 phường tổng ra quân dọn vệ sinh, kiểm tra các cửa thu nước, nạo vét cống rãnh, nhằm nâng cao hiệu quả thoát nước, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ngập úng cục bộ trong mùa mưa. Nhờ đó, trận mưa lớn sáng 25/9 tuy có gây ngập úng nhưng đã được cải thiện khá nhiều so với trước đây. Lực lượng chức năng quận đang tiếp tục tổng rà soát, xử lý các điểm còn ngập úng trên địa bàn để tìm nguyên nhân tắc nghẽn và tiếp tục khơi thông.

Quảng Nam cấm biển, Đà Nẵng mưa to do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới - Ảnh 3.

Trung tâm hành chính Đà Nẵng mờ mịt trong mưa lớn sáng 25/9. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo nhanh lúc 5 giờ 25/9 của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng, tổng số phương tiện tàu thuyền đang neo đậu tại các bến là 848 tàu (trong đó có 597 tàu của Đà Nẵng và 251 tàu ngoại tỉnh). Tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 107 phương tiện, với 1.140 lao động. Có 1 tàu ĐNA 90709 nằm trong đường di chuyển của áp thấp, đang di chuyển về Quảng Ngãi để đảm bảo an toàn. Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng đang chỉ đạo các đơn vị thường xuyên theo dõi chặt chẽ hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để thông báo, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển không đi vào khu vực nguy hiểm. Ngoài ra, các lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, đêm 24/9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng đã ban hành Công điện số 05/CĐ-PCTT. Công điện đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh; kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng chủ động quản lý tàu thuyền ra khơi theo quy định; quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển, đang hoạt động ven bờ và đang neo đậu tại các bến để kịp thời tổ chức ứng cứu khi cần thiết; phối hợp hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại khu trú tránh bão âu thuyền Thọ Quang và tại các điểm neo đậu tránh, trú bão.

UBND các quận, huyện triển khai phương án phòng, chống áp thấp nhiệt đới, lũ quét và sạt lở đất; rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán nhân dân theo phương án đã được phê duyệt. Đặc biệt, lưu ý các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét như khu vực ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê (các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Sơn), khu vực Nam Hải Vân và bán đảo Sơn Trà. Các địa phương tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường ngập sâu theo phân cấp quản lý; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm "4 tại chỗ". Sở Xây dựng phối hợp UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống ngập úng đô thị, khơi thông cống rãnh thoát nước…

Quảng Nam cấm biển từ 7 giờ ngày 25/9

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố ven biển tổ chức cấm biển từ 7 giờ ngày 25/9 cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, địa bàn tỉnh đang có mưa to đến rất to, tập trung ở khu vực đồng bằng ven biển, thủy triều đang ở mức cao. Dự báo từ ngày 25 đến ngày 27/9, các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa các địa phương vùng núi phía Bắc tỉnh phổ biến từ 80 - 180mm, có nơi trên 230mm. Các địa phương vùng đồng bằng và vùng núi phía Nam phổ biến từ 150 - 250mm, có nơi trên 300mm. Nguy cơ ngập lụt tại thành phố Tam Kỳ, Hội An; huyện Duy Xuyên, Thăng Bình và Núi Thành...

Để chủ động ứng phó, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đề nghị Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; tiếp tục kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Các địa phương, đơn vị tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn; rà soát, kiểm tra công tác triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản của nhân dân vùng ven biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản. Đồng thời, hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản.

Thừa Thiên - Huế kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang tiến vào đất liền, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, chiều tối 25/9, tỉnh sẽ tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn tại 5 điểm gồm: Đồn Biên phòng Phong Hải, Trạm Kiểm soát Biên phòng Thuận An, Hải đội 2, Đồn Biên phòng Vinh Hiền, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Chân Mây.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các đơn vị tuyến biển sử dụng kênh thông tin tìm kiếm cứu nạn để thông báo cho các chủ phương tiện hoạt động trên biển biết về diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để ngư dân chủ động phòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm.

Tính đến sáng 25/9, tỉnh còn 25 phương tiện với trên 200 lao động (trong đó hoạt động xa bờ gồm 19 phương tiện với hơn 180 lao động) đang đánh bắt ở khu vực biển Quảng Trị - Thừa Thiên Huế cách bờ khoảng 40 - 65 hải lý; còn lại các phương tiện tàu thuyền khác đã vào nơi trú tránh. Khu vực cảng có 29 phương tiện tàu hàng, với 159 thuyền viên đang neo đậu, đảm bảo an toàn.

Sáng 25/9, địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Huyện Nam Đông ghi nhận tổng lượng mưa hơn 134mm ở xã Hương Phú 112mm ở thị trấn Khe Tre; hơn 93mm ở xã Lộc An, huyện Phú Lộc.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự báo trong những giờ tới, mưa lớn vẫn tiếp tục, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc, đặc biệt là ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, A Lưới, Phú Lộc, Nam Đông.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước