Càng gần những kỳ thi quan trọng như tốt nghiệp THPT thì áp lực lại càng đè nặng hơn nhưng quan trọng là cách vượt qua áp lực đó như thế nào. Có nhóm bạn chọn cùng nhau chia sẻ, cùng nhau ôn tập sau mỗi giờ học để giảm áp lực thi cử. Thế nhưng vẫn có những trường hợp lại không thể vượt qua được như vậy.
"Em lo nhiều quá nên em bị suy nhược cơ thể. Lúc nào em cũng có cảm giác như bị đè nén", một bệnh nhân cho biết.
Nhập viện được gần một tuần nay, áp lực thi cử khiến cho bệnh nhân này có những biểu hiện của rối loạn lo âu quá mức tức là chỉ cần nghĩ đến kỳ thi là đã hồi hộp, đánh trống ngực dẫn đến mất ngủ. Nếu như tình trạng này kéo dài dễ dẫn đến trầm cảm. Theo các bác sĩ, năm nào cũng vậy, cứ gần tới kỳ thi, số trẻ đến khám, nhập viện với những vấn đề liên quan rối loạn tâm thần đều tăng từ 30-40%.
Bác sĩ Lê Công Thiện, Trưởng phòng Điều trị tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết:
"Nguyên nhân đầu tiên chính là từ phía các em, thường gặp là sự chuẩn bị cho kỳ thi chưa được tốt, thứ hai là do tâm lý, dù bạn chuẩn bị tốt nhưng tâm lý lại không vững vàng. Áp lực từ thầy cô, bố mẹ, nhà trường, những kỳ vọng của bố mẹ".
Đáng nói, có những bậc phụ huynh vẫn quan tâm nhiều đến việc học của con thay vì những khó khăn phải đối mặt và sức chịu đựng của các em, coi đó là những biểu hiện bình thường trước áp lực thi cử. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân của nhiều ca bệnh về tâm thần phải điều trị sau các kỳ thi. Nếu không phát hiện, can thiệp sớm đúng cách sẽ để lại hậu quả khôn lường.
Trước khi quá muộn, để giúp trẻ vượt qua những áp lực thi cử, các chuyên gia cho rằng phụ huynh nên cố gắng trở thành những người bạn đồng hành, trò chuyện cùng con. Bên cạnh đó, cha mẹ cần phải chú ý bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, khuyến khích trẻ vận động thể chất và đặc biệt chú ý đến giấc ngủ để các sĩ tử có đủ sức khoẻ vượt qua kỳ thi một cách tốt nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!