Nhiều ý kiến khác nhau về quy định rút bảo hiểm xã hội một lần

Quang Hạnh-Thứ hai, ngày 27/05/2024 14:49 GMT+7

VTV.vn - Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi cụ thể hóa 11 nội dung lớn nhằm mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia, thụ hưởng BHXH, bổ sung nội dung quy định quản lý.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng nay Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Bày tỏ thống nhất với đa số nội dung của dự thảo Luật, tuy nhiên, với quy định điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần, trong số 2 phương án đưa ra, một số ý kiến đề nghị chọn phương án 1. Tức là đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm và có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Theo bà Trần Khánh Thu, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết: "Để đảm bảo mục tiêu nguyên lý của BHXH là đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động và hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện thì phương án 1 là cơ bản đảm bảo kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội và hạn chế được tình trạng một số bộ phận người tham gia BHXH có nhiều lần hưởng BHXH một lần".

"Đa phần những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì họ có những khó khăn về cuộc sống. Do đó họ cần một khoản tiền để giải quyết những khó khăn. Vì vậy mà tôi cho rằng nếu như giữ chân những người tham gia BHXH và thực hiện được hạn chế rút bảo hiểm 1 lần thì chúng tôi nghĩ rằng nên thiết kế thêm những chế độ vào BHXH tự nguyện thì sẽ làm cho những người tham gia BHXH tự nguyên an tâm hơn". - bà Trương Thị Ngọc Ánh, Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ cho biết.

Nội dung mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cũng nhận được nhiều góp ý của đại biểu Quốc hội.

Bà Trần Kim Yến, Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho biết: "Ban soạn thảo cần nghiên cứu đánh giá bổ sung một đối tượng cần được mở rộng trong quy định của luật BHXH đó là lao động không chọn thời gian. Nếu chiếu theo điều 13 của bộ luật lao động thì đối tượng này về bản chất là quan hệ lao động. Một bên thì góp công nghệ, một bên thì góp phương tiện hoặc chỉ góp sức lao động. Nhưng dù là phương tiện hay công nghệ thì đây vẫn là tư liệu sản xuất có quản lý về thời gian về doanh thu, có trả lương qua hình thức sản phẩm".

Một số đại biểu cho rằng cần cân nhắc thêm đối với đề xuất mở rộng thêm một số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, ví dụ như chủ hộ kinh doanh, người điều hành hợp tác xã, người quản lý doanh nghiệp.

"Tôi cho rằng cơ quan soạn thảo cần phải tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động bởi dự án luật. Đảm bảo công bằng của các đối tượng này so với đối tượng đóng BHXH khác. Không vì mục tiêu gia tăng số người nộp BHXH mà bỏ qua nhu cầu nguyện vọng của các đối tượng" - Bà Bùi Thị Quỳnh Thơ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận phiên toàn thể về dự luật bảo hiểm xã hội sửa đổi.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước